Business Information Learning

  1. Trang chủ
  2. Lưu
  3. Thẻ
  4. Hỏi - Đáp

 
 
LeVanLoi'log, ⌚ 2018-03-20
***
IOCV Simulation 2018: IOCV VN@Tour Platform
Tác giả: Lê Văn Lợi
Đề bài của nhóm Simulation gửi cho cộng đồng IOCV (IoT Open Community for Vietnam).
Ngày đăng: 20-03-2018.

IOCV VN@Tour Platform

Sau đây là mô tả ứng dụng đặt ra cho IoT Open Community do nhóm Mô phỏng chuẩn bị. Đầu mối của nhóm Mô phỏng là VCCI-ITB. Góp ý và phản biện, vui lòng gửi đến contact@itb.com.vn hoặc levanloi@itb.com.vn

2018

Trong hệ sinh thái của IoT Open Community, nhóm Mô phỏng có nhiệm vụ đặt ra các vấn đề cần nghiên cứu dựa trên yêu cầu của nhóm Kinh doanh và nhóm Thị trường.

Vì vậy, để định hướng nghiên cứu năm 2018, nhóm Mô phỏng nêu vấn đề đầu tiên ứng dụng cho ngành du lịch của Việt Nam, đặt tên ứng dụng là IOCV VN@Tour Platform.

 

Đặt vấn đề:

Đề bài của IOCV VN@Tour Platform là xây dựng một platform (nền tảng) trên đó có các ứng dụng cho người đi du lịch, đơn vị đi du lịch (gọi gộp chung là Tourist) và các công ty phục vụ du lịch (gọi là Service Provider). Mối liên kết được thể hiện như trong hình vẽ sau:

Diễn giải

  • IOCV VN@Tour Platform: có 2 đối tượng sử dụng chính: Người đi du lịch/đơn vị đi du lịch (Tourist) và công ty phục vụ du lịch (Service Provider).
     
  • iVN@TourCard: Tourist được khuyến nghị đăng ký để có một thẻ iVN@TourCard. Đây là một thẻ điện tử định danh cho mỗi Tourist. Cấu trúc của định danh gồm 1 dãy số 16 chữ số hexadecimal (Tourist ID) và QR Code trỏ về địa chỉ một website chứa thông tin của định danh đó. QR Code cho phép thẻ được nhận dạng tại các cổng kiểm soát của các Công ty phục vụ du lịch (Service Provider). Toàn bộ thông tin liên quan đến Tourist đều được lưu trên iVN@Tour Cloud. Thẻ iVN@TourCard giúp định vị Tourist trong suốt quá trình du lịch tại Việt Nam. Thẻ này giúp Tourist đọc toàn bộ hành trình của mình (kèm theo một iVN@Tour Itinerary dựa trên nền Google Maps), giới thiệu tóm tắt các điểm du lịch sẽ (hoặc đã) đến. Thẻ trở thành một Souvenir của Tourist sau chuyến đi.
     
  • iVN@TourPay: Sổ chi tiêu (Payment Book) của Tourist. Sổ chi tiêu lưu ký các khoản mà Tourist sẽ / đã chi tiêu. Các khoản trong iVN@TourPay có thể được trả trước, trả sau hoặc thanh toán trực tiếp. Đơn vị ghi các khoản chi tiêu này là Công ty phục vụ du lịch (Service Provider) dựa trên đơn đặt hàng hoặc các khoản thực chi khi Tourist sử dụng dịch vụ.
     
  • Service Provider: Đây là ký hiệu của một công ty cung cấp dịch vụ du lịch (nhà hàng, khách sạn, du thuyền tham quan, …) có đăng ký với iVN@Tour. Service Provider nhận đặt hàng từ Tourist, từ các tour du lịch hoặc chính điều phối của iVN@Tour (module điều phối tự động của iVN@Tour Platform). Khi liên kết với iVN@Tour, các Service Provider được yêu cầu phải có khuyến mãi giảm giá hoặc các dịch vụ ưu tiên khác. Việc đăng ký và cập nhật các dịch vụ mà Service Provider có thể cung cấp được thực hiện bởi module Service Provider Registration của iVN@Tour. Sau khi đăng ký, Service Provider được cung cấp các phần mềm quản lý dịch vụ từ iVN@Tour Cloud (quản lý tour, quản lý nhà hàng, quản lý khách sạn, …).
     
  • iVN@Tour Cloud: Đây là dịch vụ điện toán đám mây của iVN@Tour, lưu ký toàn bộ các chi tiết liên quan đến giao dịch của TouristService Provider, giới thiệu các điểm tham quan của Việt Nam.
     
  • iVN@Tour AI: Đây là trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence) phục vụ Service Provider. iVN@Tour AI chủ yếu cung cấp dự báo về lượng du khách, các loại dịch vụ sẽ được du khách đặt hàng trong năm tới, tháng tới, tuần tới và 3 ngày tiếp theo. Chỉ có Service Provider có đăng ký mới được cung cấp dịch vụ này.

 

Nhận diện thách thức công nghệ

  • Dữ liệu lớn (Big Data): Thách thức công nghệ đầu tiên là dữ liệu lớn. Có các vấn đề có thể phát sinh dữ liệu lớn gồm: số lượng Tourist bất kỳ, số lượng Service Provider là bất kỳ, việc lưu ký hành trình du lịch có thể bao gồm tất cả các loại dữ liệu: văn bản, ảnh, video clip, ...

    Dữ liệu lớn có nghĩa là chúng ta không biết được giới hạn trên về dung lượng chứa dữ liệu. Cũng có thể ít nhưng cũng có thể rất nhiều, tùy theo mức độ phát triển của hệ thống. Giải pháp cho dữ liệu lớn hiện nay là Cloud Computing.
     
  • An toàn, an ninh thông tin (Data Security): Thách thức công nghệ tiếp theo là vấn đề an ninh, an toàn thông tin. An toàn: dữ liệu không chấp nhận bị mất vì hệ thống phải hoạt động liên tục và lưu ký quá khứ. An ninh: hệ thống tránh ở mức cao nhất bị hacker tấn công. An ninh, an toàn thông tin là một thách thức rất lớn, đặc biệt đối với các hệ thống lưu trữ thông tin người dùng.

    Giải pháp thông thường cho an toàn thông tin là replication ở mức cao (từ 3 trở lên). Giải pháp cho an ninh thông tin phải dựa vào đầu tư bảo mật hạ tầng và có đội ngũ thường trực để phòng ngừa, chống bị tấn công. Khi sự cố xảy ra thì phải có đội ngũ giải quyết sự cố.
     
  • Bảo vệ dữ liệu người đi du lịch (Tourist Data Protection): Thách thức công nghệ tiếp theo là bảo vệ dữ liệu riêng tư của Tourist. Bất cứ một Tourist nào cũng mong muốn giữ bí mật hành trình của mình. Mặt khác, hệ sinh thái phải có đủ lượng thông tin để phục vụ tốt du khách. Dữ liệu có thể bị lạm dụng bởi các Service Provider nhằm phục vụ quảng cáo và các mục tiêu kinh doanh khác.

    Giải pháp thông thường cho vấn đề này gồm nhiều bước, nhưng có 2 điểm bắt buộc phải thực hiện:

    1.- Tourist phải đồng ý với các điều khoản của hệ thống trước khi nhận thẻ iVN@TourCard.  
    2.- Muốn xem thông tin về Tourist, ngoài việc có mã số Tourist ID, người xem cần phải có mật khẩu.
     
  • Trí tuệ nhân tạo dự báo lượng khách du lịch (iVN@Tour AI): Đây là một thách thức rất lớn về thuật toán và dữ liệu đầu vào. Dữ liệu đầu vào không đơn thuần là lượng du khách trong quá khứ mà còn phụ thuộc vào sự biến động trong xã hội, môi trường, chính trị, …
     
  • Thẻ iVN@TourCard: Thẻ này về mặt bản chất chỉ là một số định danh gồm 1 dãy số 16 chữ số hexadecimal (Tourist ID). Tuy nhiên, đối với khách du lịch, họ không có nghĩa vụ phải “trình” thẻ này cho các Service Provider. Chúng ta sẽ phải sử dụng một hình thức nào đó để nhận diện thẻ.

    Giải pháp cho vấn đề này thường phải sử dụng các thiết bị di động (Mobile Device) hoặc thiết bị IoT khả mặc (Wearable IoT Device). Có một số tùy chọn (options) cần tính đến:

    - Tourist chấp nhận sử dụng thiết bị di động để làm “thẻ tạm thời” trong thời gian du lịch. Trong trường hợp này, chúng ta sẽ tạo ra một App trên thiết bị di động có tên là VN@TourApp. Phần mềm này sẽ hiển thị QR Code trên mặt thiết bị di động để các Service Provider nhận diện thông qua bộ đọc QR Code.
    - Chúng ta tạo ra một thiết bị IoT khả mặc có gắn RFID (không thấm nước – waterproof): nhẫn (ring) hoặc vòng đeo tay (bracelet). Các thiết kế phải đủ rẻ và bắt mắt để Tourist có thể chấp nhận được. Các Service Provider sử dụng bộ đọc RFID để nhận diện Tourist.

 

Khuyến nghị

Đầu mối

Để xây dựng platform, nhóm Mô phỏng đề xuất các đầu mối về công nghệ, đầu mối về điểm du lịch, đầu mối về tour du lịch và đầu mối về cung cấp dịch vụ du lịch.

  • Đầu mối công nghệ: Là đơn vị thuộc cộng đồng IOCV (đăng ký làm đơn vị đầu mối với VCCI-ITB)
  • Đầu mối về điểm du lịch: Tìm các đơn vị ở Hà Nội, Hạ Long và Đà Nẵng
  • Đầu mối về tour du lịch: Tìm các đơn vị tổ chức tour đưa khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam
  • Đầu mối về cung cấp dịch vụ: VCCI-ITB phối hợp với đơn vị đầu mối (đã đăng ký với VCCI-ITB) để lập mạng lưới các nhà cung cấp dịch vụ
  • Website mô phỏng: vnatour.iocv.vn

Khuyến nghị giải pháp công nghệ

  • Giải quyết vấn đề dữ liệu lớn, an ninh, an toàn thông tin: Chúng tôi khuyến nghị nên cân nhắc sử dụng gói giải pháp AWS của Amazon dành cho IoT tại địa chỉ: https://aws.amazon.com/ hoặc chọn một đơn vị cung cấp dịch vụ điện toán đám mây có uy tín trong nước.

    Chúng tôi mong muốn một đơn vị thành viên của cộng đồng đứng ra cung cấp dịch vụ điện toán đám mây phối hợp cùng đơn vị đầu mối công nghệ. 
  • Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence): Chúng tôi khuyến nghị sử dụng mã nguồn mở và các dự án mở trên thế giới kết với các đơn vị trong nước.
     
  • Thiết bị IoT khả mặc (Wearable IoT Device): Chúng tôi khuyến nghị trong thời điểm hiện nay vẫn phải tìm kiếm các đối tác nước ngoài để nâng cao độ tin cậy của thiết bị.

Hoạt động

  • Nghiên cứu xây dựng platform: Đơn vị đầu mối công nghệ & VCCI-ITB
  • Truyền thông về mô hình: Tổ chức 1 hội thảo tại Đà Nẵng (tháng 7 năm 2018)

Đầu tư

  • Giai đoạn 1: Đầu tư theo hình thức tự bỏ nguồn lực (đơn vị đầu mối công nghệ)
  • Giai đoạn 2: Triển khai thử nghiệm và mô phỏng (đơn vị đầu mối công nghệ và cộng đồng IOCV, đơn vị đầu mối tour du lịch, mạng lưới các nhà cung cấp dịch vụ du lịch)
  • Giai đoạn 3: Huy động vốn từ các quỹ nghiên cứu khoa học công nghệ (chủ yếu từ Bộ KH&CN) và các quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital)

Triển khai

Triển khai theo hình thức Showcase của IOCV.

 

Định nghĩa về Showcase

Ý tưởng (Concept Notes)

Đối với các vấn đề công nghệ liên quan đến IoT mà Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đang quan tâm, cộng đồng IOCV tập trung nguồn lực bằng cách tạo ra Showcase (Điển hình).

Điển hình là một doanh nghiệp thành viên, thành viên này hoàn toàn tự nguyện. Điển hình sẽ đặt ra các vấn đề cho cộng đồng IOCV và cam kết làm “thí nghiệm” cho IOCV giải các vấn đề đó.

Các doanh nghiệp trong cộng đồng sẽ soi vào Điển hình, rút ra các bài học về thành công hoặc thất bại. Đối với trường hợp thành công thì Điển hình sẽ là tấm gương cho các doanh nghiệp khác làm theo. Đối với trường hợp thất bại, cộng đồng sẽ tránh được các cạm bẫy khi đầu tư.

Các nhóm trong IOCV sẽ liên kết với Điển hình lên chương trình hành động cụ thể. Cuối năm, tại Hội nghị G9 lần 2, Điển hình và các nhóm báo cáo, đánh giá kết quả và cấp chứng thực PoC (Proof-of-Concept) cho các sản phẩm đã áp dụng thành công vào Điển hình.

Khi thành công, Điển hình sẽ được nhân rộng và tạo ra một thị trường cho IOCV.

Quyền của Điển hình (Showcase’s Rights)

Quyền ra đề bài: Đơn vị điển hình có quyền ra đề bài, thông thường dưới dạng một đề tài hoặc dự án. Các đề tài/dự án này được mã hóa để cộng đồng tiện theo dõi. Nội dung đề bài được trình bày ngắn gọn để cộng đồng dễ tiếp cận. Khi có thành viên trong cộng đồng đăng ký thực hiện thì Điển hình và đơn vị thực hiện có mô tả chi tiết. Bản mô tả chi tiết được gọi là đặc tả.

Quyền đánh giá kết quả: Điển hình trực tiếp đánh giá kết quả thực hiện của đơn vị đăng ký. Chứng thực PoC (Proof-of-Concept) sẽ lấy đề xuất từ điển hình. Việc đánh giá kết quả sẽ căn cứ theo thiết kế chứng thực PoC. Thiết kế chứng thực PoC sẽ được đơn vị đầu mối là VCCI-ITB trình cộng đồng để lấy ý kiến và thống nhất quy chuẩn.

Trách nhiệm của Điển hình (Showcase’s Responsibilities)

Trách nhiệm thí nghiệm: Điển hình cam kết một cách tự nguyện làm thí nghiệm cho đề tài/dự án và là địa chỉ ứng dụng đầu tiên cho đề tài/dự án đó. Điển hình sử dụng nguồn lực của mình (nhân lực, tài lực, vật lực) để tạo điều kiện cho đơn vị đăng ký đề tài/dự án thực hiện. Điển hình đồng thời thử nghiệm kết quả của đề tài/dự án theo tiến độ đã thống nhất với đơn vị đăng ký, giám sát và đốc thúc tiến độ của đề tài/dự án.

Trách nhiệm showcase: Điển hình cam kết một cách tự nguyện cung cấp nguồn lực để giới thiệu và/hoặc demo kết quả của đề tài/dự án. Điển hình đồng thời cũng có trách nhiệm rút ra các bài học thành công và bài học thất bại. Các bài học thành công sẽ được nhân rộng cho cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước. Bài học thất bại giúp cộng đồng tránh các bẫy đầu tư. Ngoài ra, điển hình còn có trách nhiệm báo cáo tại các Hội nghị G9.