Kính gửi cộng đồng IOCV:
Tôi đã nghỉ hưu hơn 3 năm. Nếu chiếu theo quy định của IOCV, các thành viên phải là tổ chức hoặc doanh nghiệp thì tôi là cá nhân, không phải là thành viên IOCV. Tôi viết email ngỏ này, coi như là bản báo cáo kết thúc hoạt động IOCV, xin gửi đến cộng đồng theo danh nghĩa là người đầu tiên khởi thảo ý tưởng IOCV rồi sau đó là người đại diện cho VCCI-ITB (Viện Tin học Doanh nghiệp thuộc VCCI) thúc đẩy các hoạt động của IOCV và khi nghỉ hưu là người làm admin cho mailing list của cộng đồng, kiến trúc lại và cập nhật trang web iocv.vn.
-
Bố cục của bài viết này như sau: trong phần đề dẫn, tôi xin nhắc lại lý do vì sao thiết lập cộng đồng IOCV. Sau đó là tóm tắt một số hoạt động và kết quả. Tiếp đó là một vài bài học và cuối cùng là nhìn về tương lai sau khi IOCV kết thúc.
-
Disclaimer (Miễn trừ trách nhiệm). Xin lưu ý với cộng đồng rằng bài viết này mang tính chủ quan của cá nhân tôi. Chắc chắn có nhiều hoạt động của IOCV tôi không đề cập đến do thiếu thông tin. Các nhận định của bài viết có thể mang tính chủ quan, phiến diện. Vì vậy, bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo.
-
⓪ Đề dẫn
Đứng trước trào lưu phát triển các ứng dụng của IoT (Internet of Things) vào thời gian đầu năm 2017, 5 đơn vị sáng lập viên của cộng đồng là VCCI-ITB, FDS, VIELINA, NetNam và VNPT Technology đã tổ chức hội thảo chính thức thành lập cộng đồng IOCV (IoT Open Community for Vietnam) vào ngày 16/03/2017 dưới sự bảo trợ của VCCI. IOCV là cộng đồng mở về IoT với tôn chỉ: “Phát triển IoT mở cho cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam. Tất cả kết quả đều được chia sẻ tự do, miễn phí cho cộng đồng” (xem iocv.vn). Tiếp theo đó, IOCV đã vận động được tổng cộng 51 thành viên tham gia (thành viên IOCV). Các thành viên tham gia một cách tự nguyện và không phải đóng bất cứ loại kinh phí nào.
Trong phần “hiến chương” của IOCV, thời gian hoạt động của cộng đồng là 5 năm (16/03/2017 – 16/03/2022). Như vậy, cộng đồng IOCV đã chính thức khép lại hoạt động của mình cách đây 1 năm. Mặc đầu vậy, tôi vẫn gia hạn tên miền iocv.vn đến hết ngày 20/02/2024. Nghĩa là còn gần 1 năm nữa mới hết hạn.
-
IOCV được thành lập với khá nhiều tham vọng với đối tượng hỗ trợ là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) trong các lĩnh vực chính gồm Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (thủy sản, chăn nuôi, rau sạch), Quan trắc và cảnh báo môi trường, Đô thị thông minh, Tòa nhà thông minh, Enterprise IoT với các nhóm hoạt động gồm Truyền thông, Thị trường, Phần mềm, Phần cứng, Kết nối, Tư vấn, đào tạo, hỗ trợ. Về kinh phí hoạt động, IOCV xác định phương án tiếp cận: “các đơn vị, tổ chức tham gia tự tìm nguồn”.
-
① Tóm tắt
Trong khoảng thời gian 5 năm (2017-2022) IOCV gần như ngưng hoạt động trong thời kỳ đại dịch Covid-19 (khoảng hơn 2 năm từ đầu năm 2020 đến đầu năm 2022). Năm 2017, đầu năm 2018 IOCV có các hoạt động diễn ra khá sôi nổi. Cuối năm 2018 đến năm 2019 thì các hoạt động trầm lắng dần.
➤ Gặp mặt (meetings). Trong thời gian đầu sau khi mới lập cộng đồng, IOCV đã tổ chức nhiều cuộc gặp mặt để tạo cơ hội làm quen và giao lưu giữa các đơn vị thành viên. Xin liệt kê một vài cuộc gặp mặt tiêu biểu:
- 31/03/2017: cuộc gặp mặt tại CEM (Trung tâm Quan trắc Môi trường, Số 556, Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội).
- 01/04/2017: cuộc gặp mặt tại DELCO Agriculture (khu Ngải Kéo, thôn Thư Đôi, xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).
- 26/04/2017: cuộc gặp mặt tại D&L Greenhouse at Hoa Lac High Tech Park của công ty D&L.
-
➤ Phát triển sản phẩm IoT. Vì IoT là lĩnh vực công nghệ cao và mới nên IOCV tiếp cận việc phát triển sản phẩm một cách thận trọng.
⊕ Điển hình. Để tạo môi trường phát triển sản phẩm, IOCV đã đề xuất một số thành viên đóng vai Điển hình (Showcase). Điển hình sẽ đặt ra các vấn đề cho cộng đồng IOCV và cam kết làm “thí nghiệm” để IOCV “giải” các vấn đề đó. Ý tưởng chính: các doanh nghiệp trong cộng đồng sẽ soi vào Điển hình, rút ra các bài học về thành công hoặc thất bại. Đối với trường hợp thành công thì Điển hình sẽ là tấm gương cho các doanh nghiệp khác làm theo. Trong trường hợp thất bại, cộng đồng sẽ tránh được các cạm bẫy khi đầu tư.
Thành viên DELCO đóng vai là Điển hình Nông nghiệp công nghệ cao (High Tech Agriculture), thành viên CEM (Trung tâm Quan trắc môi trường) đóng vai là Điển hình Quan trắc môi trường (Environment Monitoring). Xem chi tiết tại trang IOCV Business: Kinh doanh ứng dụng IoT.
⊕ PoC. Khi phát triển giải pháp, IOCV cũng theo thông lệ chung là phát triển theo vòng xoáy PoC (Proof of Concept) từ giải pháp ý tưởng (α – Alpha) đến giải pháp ứng dụng vào thực tế (π – Production). Mời cộng đồng tham khảo trang Chứng minh ý tưởng ứng dụng IoT vào sản xuất, kinh doanh.
Kết quả: năm 2017 cộng đồng đưa ra được 01 giải pháp α – Alpha và 03 giải pháp π – Production.
α – Alpha: Tên GP tiếng Việt | Tên GP tiếng Anh | Đơn vị đề xuất GP
- Quản lý nông nghiệp chính xác (PAM) | Precision Agriculture Management (PAM) | D&L
π – Production: Tên GP tiếng Việt | Tên GP tiếng Anh | Đơn vị đề xuất GP
- Trang trại thân thiện với công nghệ cao | Hi-Tech Friendly Farmhouse | DELCO
- Trang trại kết nối | Connected Farm | VNPT Technology
- Cổng kết nối Tự động hóa Thân thiện | Friendly Automation Gateway | VIELINA
-
Rất đáng tiếc là các năm sau không có thành viên nào phát triển các sản phẩm tiếp theo.
Bên lề ▼
Có 2 sản phẩm IoT được phát triển bởi 2 thành viên của IOCV trong khoảng thời gian 2017-2022. Tôi nêu ra ở mục này để anh/chị tham khảo nhưng lưu ý rằng các sản phẩm này không phải là sản phẩm của IOCV.
PAM Air. Sản phẩm này do thành viên D&L phát triển từ năm 2018. PAM Air đo chất lượng không khí của 63 tỉnh thành của Việt Nam căn cứ theo số liệu đo của khoảng 400 điểm đo.
iProtect. Sản phẩm này do thành viên VTC (VTC Digicom) phát triển từ năm 2019. Đây là giải pháp phát hiện và cảnh báo khói thông minh: iProtect sẽ gửi cảnh báo đến người dùng qua nhiều phương tiện khác nhau như báo động tại chỗ, báo qua ứng dụng Smartphone, gọi điện thoại, nhắn tin, giúp người dùng có thể nhận được cảnh báo ngay tức thời.
Bên lề ▲
-
➤ Gọi vốn. Nhận thấy có nhiều hoạt động của IOCV không phát sinh lợi nhuận, không thu được phí như nghiên cứu tiềm năng thị trường IoT, truyền thông nâng cao nhận thức về IoT, nghiên cứu – phát triển các sản phẩm thử nghiệm nên IOCV đã tổ chức nhiều cuộc gặp mặt với lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các quỹ thúc đẩy đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ. Xin liệt kê một vài cuộc gặp mặt tiêu biểu:
- 12/04/2017. Cuộc họp với Vụ Công nghệ cao thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
- 27/04/2017. Cuộc họp với quỹ NATIF (National Technology Innovation Fund).
- 19/09/2017. Cuộc họp với Cục Công nghệ thông tin & Dữ liệu tài nguyên môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Nội dung các cuộc họp trên xoay quanh vấn đề gọi vốn cho các hoạt động nghiên cứu tiềm năng thị trường IoT, truyền thông nâng cao nhận thức về IoT, nghiên cứu - phát triển các sản phẩm thử nghiệm IoT.
Kết quả: Rất tiếc là việc gọi vốn không đem lại kết quả.
➤ Tìm nơi thử nghiệm ngoài IOCV. Khi phát triển sản phẩm IoT, việc thử nghiệm đóng vai trò quan trọng. Vào đầu năm 2018, thành viên TPcoms (Công ty cổ phần Công nghệ Tiến Phát) có ý định nghiên cứu triển khai bộ quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản (sản phẩm với mã là Aqu@Farming).
- Ngày 09/05/2018, IOCV cùng TPcoms đã có cuộc làm việc với Vụ Nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để nhờ giới thiệu nhóm nghiên cứu đến các địa điểm nuôi trồng thủy sản. Tiếp sau cuộc họp, TPcoms cùng IOCV đã gửi đề án cho Vụ Nuôi trồng thủy sản nhưng không thấy hồi âm.
- Ngày 14/05/2018, IOCV cùng TPcoms đã làm việc cùng Hiệp hội Cá tra về cùng nội dung.
- Thời gian tiếp sau đó, TPcoms có đến khảo sát một số nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long. Sau đó thì IOCV không có thông tin thêm.
Kết quả: Không thành công vì gặp nhiều trở ngại trên thực địa cũng như sự phối hợp giữa IOCV, TPcoms và Hiệp hội Cá tra không suôn sẻ.
➤ Thành viên tiêu biểu. Với vai trò là người trực tiếp điều phối các hoạt động của IOCV, tôi xin phép được lựa chọn một số thành viên tiêu biểu:
- DELCO. Có thể nói DELCO vừa là thành viên tiên phong trong việc tạo môi trường để giao lưu, kết nối giữa các thành viên của IOCV vừa là đơn vị sẵn sàng làm “chuột bạch” cho các thử nghiệm về IoT.
- D&L. Trước khi gia nhập IOCV, D&L đã có một số thử nghiệm với IoT, đặc biệt là trồng cây trong nhà màng. Trong hoạt động của IOCV, D&L đi tiên phong về giải pháp, nghiên cứu – phát triển (R&D) bài bản.
-
② Takeaways
Sau khi kết thúc IOCV, tôi nghĩ chúng ta cần rút ra một vài bài học từ trải nghiệm thành công và chưa thành công. Tôi dùng từ ‘takeaway’ để ngụ ý rằng đây là các bài học mang theo trong tương lai khi doanh nghiệp/đơn vị của anh/chị tham gia vào các hiệp hội hoặc cộng đồng khác.
➤ Mô hình kinh doanh dựa trên nền IoT chưa rõ ràng. Căn cứ theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (tháng 11/2017), thì mô hình kinh doanh dựa trên nền IoT đang ở trong giai đoạn “tiến hóa” – hay nói một cách khác là mô hình kinh doanh dựa trên nền IoT chưa rõ ràng, chưa thành hình. Các thành viên của IOCV cảm nhận thấy khá rõ điều này: rất khó có thể phát sinh doanh thu từ kinh doanh dựa trên nền IoT.
➤ Nghiên cứu – phát triển (R&D) giải pháp về IoT rất thách thức. Các đơn vị làm R&D cảm nhận rất rõ: hạ tầng mạng đặc thù IoT gần như chưa tồn tại (LoRa, SigFox, NarrowBand IoT, …), nhân lực (talents) có kỹ năng và kiến thức sâu về IoT còn thiếu trầm trọng, chính sách (policies) và thiết chế đặc thù (regulations) về IoT gần như chưa tồn tại, việc lưu trữ (storage) và giải tích (analytics) dữ liệu IoT vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, …
➤ IOCV chưa “khớp” được với các quỹ và chương trình thúc đẩy phát triển khoa học – công nghệ trong nước. Vấn đề khó khớp nhất là các tiêu chí cho phép doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, có thể huy động được vốn từ các quỹ này (chỉ có các cơ sở nghiên cứu được Bộ Khoa học và Công nghệ chứng thực mới được phép). Một vấn đề nữa là các quỹ đó gần như không tồn tại khái niệm “nghiên cứu thị trường” hoặc “truyền thông nâng cao nhận thức” – vốn là các chủ đề song hành cùng các cộng đồng / hiệp hội.
-
③ Hướng tới tương lai
IOCV khép lại không có nghĩa là chúng ta dừng tìm kiếm giải pháp trên nền IoT. Vấn đề là nên định hướng thế nào cho có lợi nhất đối với cộng đồng doanh nghiệp khoa học công nghệ trong nước. Tất nhiên, doanh nghiệp của anh/chị nên theo định hướng của Chính phủ. Phần này tôi chỉ đưa ra một vài tham khảo có thể anh/chị quan tâm.
➤ Chu kỳ Hype Cycle của IoT. Đối với các công nghệ mới nổi như IoT, Gartner đưa ra một công cụ phân tích có tên gọi là Hype Cycle. Đối với IoT người ta thấy Hype Cycle của IoT như sau:
- 2012-2015. Người ta thấy từ năm 2012 đến năm 2015 là giai đoạn IoT đang ở đỉnh cao của những kỳ vọng bị thổi phồng.
- 2015-2018. Giai đoạn này có tên gọi là “Vỡ mộng”. Rất nhiều thiết bị chưa cần kết nối, đặc biệt hàng tiêu dùng hầu hết không có nhu cầu kết nối. (IOCV được khởi xướng vào năm 2017, thuộc giai đoạn này.)
- 2018-hiện nay. Đây là giai đoạn ứng dụng của IoT đã hình thành và có xu hướng gây chú ý đối với cộng đồng doanh nghiệp.
➤ Các giai đoạn phát triển của IoT. Khi kinh doanh dựa trên nền IoT, người ta thấy có 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Kết nối và điều khiển từ xa. Có lẽ phần lớn các doanh nghiệp IoT trong nước đang ở giai đoạn này.
- Giai đoạn 2: Tạo ra sự khác biệt. Trong giai đoạn này, IoT đã được áp dụng một cách rộng rãi. Giai đoạn này các giải pháp đi xa hơn “đo và điều khiển từ xa”. Để cho dễ hiểu, có thể nói PAM Air và iProtect nằm trong giai đoạn này.
- Giai đoạn 3: IoT là một mô hình kinh doanh. Giai đoạn này IoT trở thành cốt lõi của mô hình kinh doanh. Lúc này doanh nghiệp không còn đơn thuần kinh doanh bằng bán thiết bị mà bán dịch vụ thông qua hệ thống kết nối và điều khiển. Ví dụ: doanh nghiệp cung cấp thiết bị với giá khởi điểm mức tối thiểu, khách hàng trả chi phí định kỳ và doanh nghiệp nâng cấp tự động thông qua kết nối thiết bị với trung tâm điều khiển của doanh nghiệp.
➤ IoT nên được áp dụng vào lĩnh vực nào ở Việt Nam hiện nay? Đây là câu hỏi rất khó, người trả lời được câu hỏi này chắc phải thuộc loại “thiên tài kinh doanh”. 😊 Tuy nhiên, để kết thúc báo cáo cho thêm phần sinh động pha chút thuyết âm mưu (conspiracy theory), tôi mạnh dạn đề xuất: ứng dụng UAV (Unmanned Aerial Vehicles – thiết bị bay không người lái) vào nông nghiệp.
Vì sao có đề xuất này? Theo ý kiến cá nhân, tôi nhận thấy đề xuất này có 2 ưu điểm nổi bật:
- Kinh doanh ứng dụng UAV phát sinh doanh thu và lợi nhuận. Đây là điểm khắc phục nhược điểm do báo cáo của Ngân hàng Thế giới nêu ra (xem ở trên).
- Tích hợp hệ thống (System Integration) vào ứng dụng đặc thù trong nông nghiệp là thị trường mở, có nhiều dư địa để phát triển. Tích hợp hệ thống có lẽ là điểm mạnh của các doanh nghiệp trong nước.
Tham khảo:
-
Chúc đơn vị/doanh nghiệp của anh/chị thịnh vượng và phát triển!
Trân trọng
Lê Văn Lợi – Admin IOCV