Business Information Learning

  1. Trang chủ
  2. Lưu
  3. Thẻ
  4. Hỏi - Đáp

 
 
LeVanLoi'log, ⌚ 2016-09-13
***
☕ Nhàn đàm: đánh thuế công nghệ cao
Tác giả: Lê Văn Lợi
Bài đã đăng trên diễn đàn ICT_VN (ict_vn@googlegroups.com).
Ngày đăng: 13-09-2016.

Dear các anh/chị

 

Chắc các anh/chị đều đã biết vụ phán quyết của Ủy ban EU (EU commission) về Apple phải hoàn thuế cho Ireland khoảng 13 tỷ Euro (mà cả Apple lẫn Ireland sẽ kháng án). Nguyên nhân sâu xa, thực ra, đây là vấn đề của công nghệ cao, của Internet chứ không hề đơn thuần là câu chuyện của tránh thuế (tax avoidance). Nhân chuyện này, có chút thời gian mời anh/chị cùng ngẫm nghĩ về việc đánh thuế trong thời đại công nghệ cao.

 

1. Thuế được quy định theo quốc gia. Và quốc gia thì có biên giới địa lý. Nhưng hoạt động thương mại trên môi trường Internet thì không có biên giới. Cái bất tương thích đầu tiên nằm ở điểm này. Một mặt hàng trong nước A bán cho một người trong nước B thì các loại thuế sẽ áp dụng cho nước A hay nước B hay cho cả 2 nước A và B? Một dịch vụ mà một công ty đa quốc gia (multinational company) cấp cho khách hàng khắp thế giới sử dụng thì sẽ được đánh thuế như thế nào? Đây là vấn đề rất khó về thỏa thuận thuế (tax arrangement). Một số chuyên gia đưa ra giải pháp là cần có các hiệp định song phương. Nếu vậy thì số hiệp định song phương sẽ vô cùng nhiều. Và kinh doanh thì họ không thể chờ các hiệp định song phương ký rồi mới bắt đầu.

 

2. Thuế giá trị gia tăng (GTGT – Value Added Tax - VAT). Cái văn minh của thuế GTGT là người ta chỉ đánh thuế trên giá trị gia tăng. Nghĩa là nếu ta mua đầu vào giá là X, và ta bán đầu ra là Y thì thực chất chúng ta đóng thuế t% của (Y-X). Về mặt nguyên tắc chúng ta có thể đòi hoàn thuế t% của X khi mua vào. Giả thiết ngầm của thuế GTGT là cả X và Y đều được mua bán trong cùng 1 quốc gia (trong cùng hệ thống) và số lần giao dịch này là quản lý được (manageable).

 

Bây giờ chúng ta hình dung thuê quảng cáo trên Google hay Facebook và người ta tính tiền theo số click. Thứ nhất, X là gì, giá đầu vào bằng bao nhiêu? Thứ hai, Y tính theo số click, một hai click thì còn có thể quản được chứ hàng triệu, hàng tỷ click thì quản thế nào? Cơ quan thuế và người mua dịch vụ hoàn toàn phụ thuộc vào nhà cung cấp. Chúng ta chú ý rằng, vấn đề còn phức tạp hơn khi có khá nhiều nhà cung cấp chưa có đại diện pháp lý tại Việt Nam.

 

3. Thuế doanh nghiệp (corporate tax). Diễn nôm của thuế doanh nghiệp là doanh nghiệp phải đóng thuế trên tiền lãi. Và tiền lãi thì được tính = doanh thu - chi phí. Thuế doanh nghiệp mỗi nước có quy định khác nhau, ví dụ Ireland là 12.5%, UK (Vương quốc Anh) là 20%, Bỉ là 39.99%, Pháp là 33.3%, Đức là 29.72%, Ý là 31.4%, Cyprus (Đảo Síp) là 12.5%. Chúng ta có thể nhận thấy là Ireland thu thuế doanh nghiệp thuộc loại thấp nhất EU.

 

Công nghệ cao còn cho phép lập doanh nghiệp “ảo”, không nằm ở bất cứ một quốc gia nào và vì vậy nên chả phải đóng thuế doanh nghiệp cho ai cả! (😊) Đồng tiền ảo, ngân hàng ảo, đồ chơi ảo (ví dụ: các con Pokemon) nếu có mua bán thì nó nằm ở trên “mạng” chứ nó có nằm ở một quốc gia nào đâu.

 

Trong lý luận của Ủy ban EU, họ nói là Apple có một văn phòng trụ sở chính (head office) chỉ tồn tại trên giấy tờ, không có người vận hành, không có cơ sở vật chất cho nên doanh thu của Head Office cũng chính là tiền lãi (vì chi phí = 0). Chính vì vậy, Ủy ban EU đòi Apple đóng tiền thuế 12.5% của lãi (= khoảng 13 tỷ Euro) dựa trên hệ thống lập luận này.

 

Đây là một trường hợp rất lý thú về mặt pháp lý và công nghệ. Bản thân bà Margrethe Vestager, người đọc phán quyết, cũng nói rằng số tiền trên sẽ được trừ đi số tiền mà Apple đóng thuế cho các nước khác có kinh doanh mặt hàng của Apple, ví dụ như Ấn độ, Hoa Kỳ, … Lý do: vì nếu nói là Head Office thì đây là Head Office của Apple trên nhiều nước chứ không của riêng Ireland. Và bà này cũng nói rằng, nếu các nước khác có đòi tiền thuế của Head Office này thì sẽ gộp chung vào để thành 13 tỷ Euro. Như vậy, Ủy ban EU thừa nhận một văn phòng ảo cho nhiều quốc gia.

 

Cái nghịch lý nằm ở chỗ: công nghệ càng cao thì chi phí doanh nghiệp (chi phí cơ sở vật chất, chi trả lương, ...) càng thấp và tiền lãi càng cao. Tiền lãi càng cao thì tiền thuế phải đóng càng nhiều. Vì vậy, chúng ta thấy các công ty đa quốc gia đều tìm đặt văn phòng tại các nước thu thuế doanh nghiệp thấp, hoặc lập công ty danh nghĩa (các anh/chị xem thêm vụ Hồ sơ Panama – Panama Papers) hoặc lập văn phòng ảo (như Head Office của Apple trong trường hợp trên).

 

Thế giới vẫn phải chuyển động, cộng đồng doanh nghiệp vẫn phải kinh doanh trên môi trường Internet. Pháp lý trong thời đại công nghệ cao quả là thách thức!