Business Information Learning

  1. Trang chủ
  2. Lưu
  3. Thẻ
  4. Hỏi - Đáp

 
 
LeVanLoi'log, ⌚ 2016-08-26
***
☕ Nhàn đàm ICT: hạ tầng CNTT
Tác giả: Lê Văn Lợi
Bài đã đăng trên diễn đàn ICT_VN (ict_vn@googlegroups.com).
Ngày đăng: 26-08-2016.

Tôi có lần được đặt hàng nói về hạ tầng CNTT trong vòng 20 phút, kể cả thời gian mời lên bục và đi xuống. Vì vậy sau khi trừ hao, tôi thấy mình chỉ được phép nói không vượt quá 15 phút. Trong khoảng thời gian đó nói được cùng lắm là 5 ý, mỗi ý tốn khoảng 3 phút. Nói cho người nghe lọt lỗ tai một ý trong vòng 3 phút là rất khó.

 

Cái đặc biệt thách thức và khó nhất là nói về xây dựng hạ tầng như thế nào. Audience không nghe theo mình thì còn đỡ chứ họ nghe theo mà mình lại xui sai thì đúng là … phá hoại chứ không phải chuyện chơi. Cứ tưởng tượng rằng thiết kế cho VinGroup mà “nhầm” thì chỉ còn mỗi nước đập đi xây lại. Mà đập đi thì khủng khiếp: tốn thời gian, tiền bạc lãng phí bỏ đi. Nói về hạ tầng mà sai thì quá “nguy hiểm”. Tuy vậy, trên diễn đàn thì các anh/chị nghe để đấy, nghe cho vui, thế thôi.

 

1. Xây hạ tầng CNTT là xây cho tương lai và nếu chúng ta chưa có viễn kiến (vision) về tương lai thì khó có thể chuẩn bị hạ tầng. Tìm viễn kiến ở đâu? Võ duy nhất là tra Google và vào Wikipedia mà đọc.

1a. Trong vòng 5 đến 10 năm nữa chúng ta sẽ đi xe hơi tương tự như Tesla (xe điện). Hãy tưởng tượng là trước khi đến một nơi nào đó, chúng ta sẽ bật bộ GPS. Bộ GPS sẽ chỉ đường – đương nhiên. Nhưng hơn thế nữa, chiếc xe hơi của chúng ta sẽ tự động lái đến địa điểm đã được chỉ định. (Gần đây Tesla gặp một vài trục trặc trong việc thử nghiệm xe hơi lái tự động. Tuy nhiên, điều đó cũng không hề gì, ở Tesla đã có Elon Musk 😊). Vì không có việc gì làm trên xe hơi nên chúng ta có thể mở xem Facebook Live một buổi hòa nhạc ngoài trời ở London, hoặc dùng thực tại ảo (Virtual Reality - VR) để quan sát bề mặt Sao Hỏa (Mars) hay lượn vòng quanh Sao Diêm Vương (Pluto). Về mặt công nghệ thì các hãng xe hơi như Tesla sẽ phải giải bài toán xe lái tự động như thế nào? Diễn nôm là thế này: xe sẽ có một loạt cảm biến (sensors) như camera 360 độ, tốc độ hiện tại, vị trí GPS, … Các tham số này sẽ là đầu vào cho một thuật toán để “lái” tiếp. Thuật toán này thực chất là một AI (Artificial Intelligence). Lõi của AI nằm ở Data Center của Tesla; việc nhận tín hiệu và truyền tín hiệu là qua internet băng thông rộng (4G, 5G). Theo một nghĩa đơn giản : chiếc xe hơi có nhiệm vụ gửi thông tin cảm biến về « Trung tâm », « Trung tâm » giải thuật và gửi kết quả lại cho xe hơi để lái tiếp …

1b. Trong tương lai, chúng ta tưởng tượng là Việt Nam có một data center được đặt tên là VnOpenEMR (Vietnam Open Electronic Medical Record Center – tên này là do cá nhân tôi tự tưởng tượng ra thế, trên thực tế chưa có đâu, anh/chị nhé 😊). Một bệnh nhân ở Tây Nguyên được chụp CT (computed tomography), kết nối toàn bộ PACS (Picture Archiving and Communication System) với VnOpenEMR, các bác sỹ đầu ngành ở Bệnh Viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy cùng chẩn đoán dựa vào đường truyền băng thông rộng 4G (sẽ được phát triển vào năm 2017). Nhờ sự trợ giúp của hệ thống Watson (IBM Watson Health: hệ thống này sẽ scan toàn bộ kết quả của CT, dùng AI để chẩn đoán và thông báo kết quả cho thuê bao), các bác sỹ thống nhất phác đồ điều trị và gửi phác đồ này cho các y sỹ, y tá ở bệnh viện đa khoa địa phương điều trị. Các bác sỹ ở 2 bệnh viện lớn này (Bạch Mai và Chợ Rẫy) vẫn theo dõi bệnh nhân từ xa qua màn hình hiển thị trên smartphone của họ.

1c. Viễn kiến về xuất khẩu thủy sản ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) : Khi bạn tham dự một hội thảo, bạn có thể quan sát toàn bộ vùng nuôi thủy sản bằng ảnh flying cam, nhận một bản báo cáo phân tích của AI cảnh báo các nguy cơ bệnh dịch về tôm, các vi lượng tìm thấy trong môi trường nuôi cá tra. Đồng thời bạn vừa được báo qua Facebook Messenger là container số X đã đến khách hàng là chi nhánh Walmart ở Hoa Kỳ và họ đặt thêm 20 container nữa, tiền đặt deposit đã gửi đến tài khoản ngân hàng của bạn. Qua friend list của khách hàng này, một số khách hàng khác đang đặt một số hỏi hàng (queries) đến bạn. Bạn trả lời họ, viết bằng tiếng Việt, dùng Google Translate sang tiếng Anh và chuyển đến họ qua email. Trong viễn kiến này, AI cảnh báo các nguy cơ bệnh dịch được đặt ở Quang Trung Sofware City, container X được gắn RFID – thông tin từ RFID được truyền qua IoT. Tất nhiên, ĐBSCL lúc đó đã trở thành Smart Region, ở đó các thiết bị thế hệ IoT đều có thể truyền trong không gian 4G bảo phủ toàn vùng !

 

2. Viễn kiến là như vậy (đoán thế 😊). Còn khuyến cáo là thế nào ? Tôi biết trên diễn đàn này có nhiều lãnh đạo, nhiều nhà quản lý nên phát biểu của mình cũng chỉ như múa rìu qua mắt thợ. Nhưng tôi cứ mạnh dạn múa – nếu múa không theo điệu sáo thì mong các anh/chị lượng thứ.

2a. Chuẩn bị hạ tầng CNTT cho cả một cộng đồng, cho một doanh nghiệp và cho một cá nhân. Tầm nhìn cho một cộng đồng khoảng 10-15 năm, cho một doanh nghiệp khoảng 5 năm, cho cá nhân chắc chỉ khoảng 2-3 năm thôi.

2b. Chuẩn bị hạ tầng cho cộng đồng rất thách thức. Băng thông 4G hình như là chuyện … đương nhiên. Nhìm xéo sang các đại gia trên thế giới thì chúng ta đều thấy dự án Project Loon của Google và dự án máy bay không người lái sử dụng năng lượng mặt trời có tên là Aquilla của Facebook. Cả 2 dự án này đều sử dụng các vật thể bay trên tầng điện ly (từ mặt đất lên khoảng 20 km) và chiếu chùm tia laser xuống mặt đất. Tham vọng của họ là phủ sóng toàn cầu. Tham vọng của Facebook còn đi xa hơn : phủ sóng toàn cầu miễn phí ! Các ISP cần chuyển dần sang CSP (Communication Service Provider) là vừa :-)

2c. Chuẩn bị hạ tầng cho cộng đồng hóa ra trong tương lai gần thế giới họ chuẩn bị cho mình : băng thông rộng là chìa khóa của vấn đề. Vậy liệu một đất nước đi sau về công nghệ có thể sử dụng được các dịch vụ cao cấp của AI và của VR không ? Câu trả lời là : Có. Lý do : luật số đông. Một dịch vụ rất cao cấp của Watson, chúng ta có thể thuê chỉ … vài triệu VND/tháng. Có đủ trang trải cho chi phí xây dựng và duy trì Watson không ? Trả lời : đủ và thậm chí thừa vì họ sẽ có hàng tỷ thuê bao.

2d. Câu chuyện ở trên vẫn chỉ ở thì tương lai. Một doanh nghiệp vẫn cần thực tế hiện tại: kết nối cáp quang, có một tên miền (kèm theo 1 website), một chữ ký số, có 80% nhân viên biết sử dụng email, biết sử dụng Facebook để quảng bá sản phẩm và chăm sóc khách hàng, có 20% nhân viên biết sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp qua thư, email và biết sử dụng Google Translate lúc cần thiết.

2e. Cá nhân cần đầu tư gì ? Chắc chỉ cần một smartphone và chỉ nên mua … một lần thôi. 80% cá nhân cần hiểu rằng chất lượng của smartphone nằm ở phần mềm và phần mềm thì được nâng cấp liên tục nên đừng mua smartphone mới làm gì. Nâng cao nhận thức về điểm này thì cũng tiết kiệm kha khá đấy.

 

Tôi đã cố gắng trình bày với anh/chị dưới 15 phút và chỉ với 2 ý thôi. Chúc anh/chị week-end vui nhã.