Business Information Learning

  1. Trang chủ
  2. Lưu
  3. Thẻ
  4. Hỏi - Đáp

 
 
LeVanLoi'log, ⌚ 2020-07-05
***
☕ Nhàn đàm ICT: ☁ Cloud Computing Market ⠪
Tác giả: Lê Văn Lợi
Bài đã đăng trên diễn đàn ICT_VN (ict_vn@googlegroups.com).
Ngày đăng: 5-7-2020.
-
Phác họa bài post:
❶ Nên hiểu ĐTĐM như thế nào?
❷ Xu thế ĐTĐM?
❸ Thị trường ĐTĐM?
❹ Lịch sử phát triển của các đại gia ĐTĐM.
❺ Data Center (DC).
❻ Cách thức thu hút khách hàng của các đại gia ĐTĐM.
❼ Mặt trái của ĐTĐM?
❽ Di trú dữ liệu và nguồn lực điện toán.

Hôm nay xin phép anh/chị “ngồi xó bếp bàn chuyện thiên đình”: thị trường điện toán đám mây (ĐTĐM) trên thế giới.

 

Trước khi đề cập đến thị trường ĐTĐM thì chúng ta nên hiểu ĐTĐM như thế nào? Một cách nôm na thay vì chúng ta phải vận hành nội bộ một hệ thống CNTT, chúng ta thuê ngoài. Chúng ta có thể thuê hạ tầng (Infrastructure as a Service - IaaS), chúng ta có thể thuê nền tảng (Platform as a Service - PaaS), chúng ta có thể thuê phần mềm (Software as a Service - SaaS), … Đại loại thế. Vận hành như thế nào? Rất đơn giản: dùng một máy tính (ở cơ quan, ở nhà, ở quán cà phê, … ở đâu cũng được miễn phải có kết nối Internet), có mật khẩu, truy cập vào “đám mây” và … “chạy”. Đơn giản thế thôi. Thế còn thanh toán thế nào? Cũng rất đơn giản: xài đến đâu trả phí đến đấy! Kiểu như chúng ta trả thuê bao điện thoại di động. Tất nhiên, thanh toán cho ĐTĐM thì phức tạp hơn một chút.

 

Lại nói đến xu thế ĐTĐM hiện nay (đàm luận bất cứ cái gì bây giờ là phải nói đến trends cho nó “style” 😊).

⦿ Từ khi phải chịu cảnh “lockdown” do đại dịch Covid-19 gây ra thì mọi hoạt động bắt buộc phải thông qua mạng Internet: làm việc tại nhà (Working From Home) và Hội họp trực tuyến (Video Conferencing) là các ví dụ điển hình. Yếu tố này làm cho các cơ quan chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp nhận thức rằng ĐTĐM chính là một thành phần quan trọng của chuyển đổi số. (Cũng phải thừa nhận rằng Covid-19 đã góp công rất đáng kể trong việc thúc đẩy chuyển đổi số 😊.)

⦿ Để tránh bị “khóa chặt” vào một “nhà cung cấp dịch vụ ĐTĐM” (Cloud Service Provider - CSP), một mặt các doanh nghiệp ảo hóa các ứng dụng để dễ dàng di chuyển từ CSP này sang CSP khác, mặt khác thuê nhiều CSP khác nhau tùy vào thế mạnh của CSP.

⦿ Về phía CSP, cuộc chơi tập trung vào việc “hút dữ liệu”. Rõ ràng, khi dữ liệu được đặt tại một CSP nào đó, thì dù muốn hay không, khách hàng bị “lệ thuộc” một phần vào CSP. Dù có đặt ra luật lệ hay cam kết giời biển gì đi nữa thì đây là một thực tế.

 

Thế thiên hạ chi bao nhiêu tiền để thuê dịch vụ ĐTĐM? Theo báo cáo của Gartner vào tháng 11 năm 2019 (số liệu làm tròn và ước tính):

⦿ Năm 2018: 196,7 tỷ USD

⦿ Năm 2019: 227,8 tỷ USD

⦿ Năm 2020: 266,4 tỷ USD

 

Đại gia nào tham gia vào thị trường cung cấp dịch vụ ĐTĐM? Hiển nhiên là có nhiều công ty đa quốc gia tham gia thị trường này. Tuy nhiên, để cho ngắn gọn, chúng ta kể đến ba “ông lớn”: Amazon (AWS: Amazon Web Services), Microsoft (Azure) và Google (GCP: Google Cloud Platform). Chúng ta quan sát bảng sau theo số liệu của Jefferies.

 

 

Amazon (AWS)

Microsoft (Azure)

Google (GCP)

 

2018

2019

2020

2018

2019

2020

2018

2019

2020

Doanh thu (tỷ USD)

25.7

34.9

46.1

10.0

16.3

23.6

2.5

4.3

6.7

Tăng trưởng (doanh thu)

47%

36%

32%

82%

62%

45%

135%

70%

55%

Thị phần (so với số liệu Gartner)

13.07%

15.32%

17.30%

5.08%

7.16%

8.86%

1.27%

1.89%

1.76%

Chi phí vốn (CapEx - tỷ USD)

21.9

26.5

30.5

11.6

13.9

14.9

21.5

26.8

32.6

Tăng trưởng (CapEx)

11%

21%

15%

43%

20%

7%

9%

7%

22%

Khách hàng tiêu biểu

Netflix, GE, Salesforce, Expedia, Adobe, Intuit, Kellogg’s, Philips, BP

Walmart, Ford, NBC, Geico, T-Mobile, Daimler

Snap, Home Depot, Colgate, Disney, eBay, Spotify

 

Nhìn vào bảng số liệu trên, tính theo doanh thu và thị phần, chúng ta thấy AWS đứng đầu, tiếp theo là Azure rồi đến GCP. Nếu so sánh doanh thu và chi phí đầu tư thì Google chi rất nhiều so với doanh thu. Tất nhiên, bảng số liệu trên chỉ đề cập đến doanh thu, thị phần, chi phí đầu tư của những năm gần đây chứ cho chúng ta thấy bức tranh toàn cảnh của các đại công ty này kể từ lúc mới “lập nghiệp ĐTĐM”. Chú ý rằng chi phí đầu tư có thể phục vụ cho các mảng khác trong công ty của họ.

 

Ngoài 3 “ông lớn” này, thị phần ĐTĐM còn phải kể đến: Alibaba Cloud (chủ yếu phục vụ cho thị trường nội địa Trung Quốc), IBM (tháng 7/2019 IBM mua Red Hat với giá 34 tỷ USD để phát triển dịch vụ ĐTĐM), Dell Technologies/Vmware (Vmware hợp tác với tất cả 3 ông lớn là AWS, Azure và GCP), Hewlett Packard Enterprise, Cisco Systems, Salesforce, Oracle, SAP, Workday, Adobe.

 

Nói về lịch sử phát triển của các đại gia ĐTĐM một chút.

⦿ AWS ra đời vào năm 2002, sớm nhất trong làng ĐTĐM. Vậy mà mãi đến năm 2015, Amazon mới thông báo là AWS bắt đầu có lãi. Đương nhiên, lúc đầu AWS làm nền tảng cho Amazon để Amazon phát triển các mảng khác như thương mại điện tử hay hệ thống bán lẻ. Nhưng kể từ khi bắt đầu có lãi thì doanh thu tăng vọt và lãi vì thế cùng tiến bước.

⦿ Azure lần đầu được thông báo vào năm 2008, nhưng chính thức phải đến tháng 2 năm 2010 mới có tên là “Windows Azure” và đến tháng 3 năm 2014 Microsoft đổi thành “Microsoft Azure”. Về tài chính của Azure thì Microsoft không tiết lộ thông tin.

⦿ Google Cloud Platform (GCP) chính là hạ tầng của Google, không chỉ đơn thuần là cung cấp dịch vụ ĐTĐM. Theo Wikipedia thì GCP chính thức được thành lập vào tháng 4 năm 2008 nhưng cung cấp dịch vụ ĐTĐM đầu tiên vào năm 2011.

 

Data Center (DC). Dù dịch vụ ĐTĐM nghe có vẻ cao siêu là “ảo hóa” mọi thứ nhưng về bản chất nó phải dựa vào một nền tảng vật lý nào đó chứ? Đó chính là Data Center. (Mở ngoặc: nếu dùng Google Translate thì ta sẽ được bản dịch của Data Center là “Trung tâm dữ liệu”. Nghe từ thuần Việt này có lẽ không phản ánh đúng bản chất của Data Center: phải là “Trung tâm dữ liệu và điện toán Internet” mới hết được ý. Nếu thế thì lại dài quá. Thôi cứ để nguyên tiếng Anh vậy. Đóng ngoặc).

⦿ DC chỉ đơn giản là địa điểm tập trung các thiết bị điện toán và mạng cho mục đích thu thập, lưu trữ, xử lý, phân phối hoặc cho phép bên ngoài truy cập vào một lượng lớn dữ liệu. Các máy tính trong DC đều được gọi là Server (máy chủ). Các DC hiện nay có hàng chục ngàn server, gọi là Server Farm. Các server có cấu hình cao (bộ xử lý, bộ nhớ trong, đĩa cứng, …) và được kết nối với nhau. 

⦿ Thế phần mềm trên các server phối hợp với nhau như thế nào? Các server chạy một hệ điều hành nào đó (phổ biến nhất hiện nay là Linux). Tất nhiên, trên các server có một tập hợp hùng hậu các phần mềm khác. Có một số server phân nhiệm cho các server khác bằng thuật toán MapReduce của Google hoặc theo cách của Hadoop. Đại ý của thuật toán này như sau:

➀. Server đầu mối tiếp nhận một yêu cầu (request);

➁. Server “đầu mối” phân chia việc xử lý yêu cầu này cho hàng chục ngàn server khác trong DC;

➂. Khi nhận được yêu cầu thì mỗi server chỉ xử lý với dữ liệu nội tại của chính server đó;

➃. Kết quả xử lý được gửi trở lại cho server “đầu mối”;

➄. Server “đầu mối” có trách nhiệm tập hợp và xử lý gộp các kết quả trả về từ hàng chục ngàn server trong DC;

➅. Server “đầu mối” trả kết quả cho “khách hàng”.

Như vậy, DC càng to, càng mạnh, càng nhanh thì xử lý được càng nhiều khách hàng, đáp ứng càng tốt nhu cầu của khách hàng.

⦿ Một trong các thách thức của các DC là máy móc phải chạy không ngừng nghỉ quanh năm suốt tháng 24/7, dữ liệu tuyệt đối không bị mất và đảm bảo không có hacker tấn công. Để đảm bảo có được các tính năng này, ngoài việc không ngừng hiện đại hóa và nâng cấp máy móc thiết bị, các DC còn phải có một đội ngũ hùng hậu về phần cứng, phần mềm, mạng và đặc biệt là các chuyên gia về an toàn thông tin. Đây chính là điểm khác biệt lớn giữa việc các cơ quan tự vận hành DC với việc thuê dịch vụ ĐTĐM.

⦿ Các nhà cung cấp dịch vụ ĐTĐM (CSP) có bao nhiêu DC? Rất nhiều và chúng được liên kết theo nhiều cách khác nhau, tùy theo từng CSP. Ví dụ: Amazon AWS chia thành 22 khu vực địa lý, có 69 vùng khả dụng (availability zone). Microsoft Azure có 54 khu vực địa lý ở 140 nước. Google Cloud có 20 khu vực địa lý, có 61 vùng khả dụng ở hơn 200 nước. Nhìn chung, các “ông lớn” này có “đám mây” (DC) phủ khắp toàn cầu.

 

Thu hút khách hàng. Tất nhiên, các CSP có rất nhiều “võ” để thu hút khách hàng. Các CSP họ thu hút khách hàng bằng các chiêu thức công nghệ rất độc đáo mà một trung tâm dữ liệu thông thường khó lòng có được. Đó là các công cụ về trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence), các công cụ giải tích dữ liệu lớn (Analytics), các công cụ hỗ trợ IoT, … Ví dụ:

⦿ AWS (của Amazon) hút khách bằng các công cụ AI, IoT, Analytics, Quantum Technologies, Robotics, Satellite, …

⦿ Azure (của Microsoft) thu hút bằng trình diễn AI và Machine Learning, liên kết với Office 365, Dynamics, phần mềm hội nghị trực tuyến Microsoft Teams, …

⦿ Google Cloud Platform hấp dẫn bằng cách cung cấp các “bí quyết” đằng sau Machine Learning, bộ G-Suite (cạnh tranh với Office 365), dịch vụ hệ điều hành Android và Chrome OS, API cho Machine Learning và dịch vụ bản đồ (Google Maps Platform).

 

Mặt trái của ĐTĐM? Vấn đề lớn nhất đối với thuê dịch vụ ĐTĐM có lẽ là bảo mật thông tin. Thông tin của “chúng ta” nhưng người khác lưu giữ, kiểm soát. Vấn đề nằm ở đó. Tuy “chúng ta” là chủ sở hữu dữ liệu nhưng người khác lưu giữ và kiểm soát thì việc “sở hữu” có còn đúng nghĩa hay không? Đối với thông tin nhạy cảm, người ta đề xuất mã hóa dữ liệu. Tuy nhiên lại có vấn đề khi mã hóa dữ liệu trên đám mây:

⦿ Đối với dữ liệu loại này: có hàm mã hóa và phải có hàm giải mã. Mà khi phải có hàm giải mã thì nguy cơ bị lộ thông tin là rất cao (hacker dễ dàng tìm được hàm giải mã).

⦿ Khi liên quan đến vấn đề an ninh của quốc gia thì các cơ quan thực thi pháp luật của quốc gia đó có quyền yêu cầu “mở” dữ liệu. Ví dụ, dữ liệu của một công ty Việt Nam đặt trên một đám mây ở Singapore thì khi có vấn đề về an ninh của Singapore, dữ liệu của công ty đó phải được mở theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền ở Singapore.

 

Di trú dữ liệu và nguồn lực điện toán của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp lên đám mây có phải là một phần của “chuyển đổi số” hay không? Câu trả lời là … “YES” (viết hoa, đậm).

⦿ Khi chuyển lên “đám mây” thì đúng là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp “trút” được một gánh nặng thường trực: lo dữ liệu bị mất, lo bị hacker tấn công, thường xuyên phải mua thiết bị phần cứng, phần mềm để thay thế, nâng cấp. Đây là các chi phí thường xuyên không hề nhỏ mà chưa chắc đã đảm bảo an toàn, không có sự cố xảy ra. Khi chuyển nguồn lực điện toán lên đám mây thì chúng ta có thể tập trung hoàn toàn vào thế mạnh cốt lõi của chính cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó.

⦿ Nếu để nguồn lực điện toán “ở nhà” thì chúng ta rất khó để có được các dịch vụ cao cấp như analytics, AI, IoT, … Điều này không những đúng với các đơn vị ngoài ngành CNTT mà còn đúng với các đơn vị “chuyên ngành” CNTT thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Đây là bài toán tối ưu nguồn lực, chỉ tập trung vào mảng chính của mình mà không phải “ôm” thêm việc điều hành, quản lý, duy trì một hệ thống CNTT chạy 24/7.

⦿ Trong quyết định Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 06 năm 2020), nếu anh chị tìm kiếm cụm từ “điện toán đám mây” thì phần mềm Adobe Acrobat Reader sẽ cho 5 kết quả 😊. Ý tôi nói ở đây là “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia” đã rộng đường cho các doanh nghiệp phát triển ĐTĐM! Vấn đề còn lại là các doanh nghiệp của chúng ta làm sao “bám theo” được các đại gia như Amazon, Microsoft, Google.