Business Information Learning

  1. Trang chủ
  2. Lưu
  3. Thẻ
  4. Hỏi - Đáp

 
 
LeVanLoi'log, ⌚ 2021-11-11
***
☕ Nhàn đàm ICT: Image Classification ▥
Tác giả: Lê Văn Lợi
Bài đã đăng trên diễn đàn ICT_VN (ict_vn@googlegroups.com).
Ngày đăng: 11-11-2021.
-
Phác họa bài post:
ⓐ Image (Ảnh)?
ⓑ Approach (Phương pháp tiếp cận)?
ⓒ Model (mô hình)?
ⓓ Data (dữ liệu).
ⓔ ImageNet Challenge (Thử thách ImageNet).
ⓕ CNN Architectures (Các biến thể kiến trúc CNN).
ⓖ Vision Transformer (ViT).
ⓗ Transfer Learning (Chuyển giao kiến thức mô hình).

Để giúp anh/chị quyết định có đọc tiếp hay không, tôi xin phép cung cấp các thông tin liên quan đến bài post này như sau:

  • Chủ đề: Machine Learning
  • Tính thời sự: Từ năm 1998 đến tháng 5 năm 2021.
  • Thời gian đọc: 12 phút, không tính thời gian uống cà phê.

-

Trước hết, tôi xin luận bàn một chút về từ Image Classification. Có thể tạm dịch sang tiếng Việt từ này có nghĩa là “phân loại ảnh”. Đối với các anh/chị “rất thạo” lĩnh vực Computer Vision (thị giác máy tính) thì chủ đề tôi đề cập ở đây có cảm giác là rất nhỏ. Tuy nhiên, với một vài dòng nhàn đàm thì riêng chủ đề này đã là quá rộng. Vả lại, khi đọc lại “sử” của nhận dạng thì hóa ra Image Classification là điểm khởi đầu, là công nghệ cốt lõi của nhận dạng. Nhiều vấn đề tưởng không liên quan như object detection (phát hiện đối tượng) hay segmentation (phân đoạn) lại có thể được giải quyết bằng kỹ thuật “phân loại ảnh”. Đấy, tôi phải giới thiệu thế để anh/chị không bỏ qua bài post này! 😊

-

Image (Ảnh)?

Vì chủ đề của chúng ta là phân loại ảnh nên trước hết chúng ta cần định nghĩa chính xác ảnh là gì.

  • Quan sát bằng mắt thường, ảnh chụp sau khi được số hóa là bảng các điểm gồm h hàng và w cột. Nếu là ảnh đen – trắng thì mỗi một điểm (pixel) là một số 8 bit thể hiện mã màu (mức xám) của điểm đó: nếu mã màu = 0 thì màu của điểm là màu đen, còn nếu mã màu = 255 thì màu của điểm là màu trắng. Nếu mã màu nằm ở giữa 0 và 255 thì mức xám phụ thuộc vào giá trị của nó: gần với 0 thì màu sẽ tối, còn gần với 255 thì màu sáng hơn. Nếu là ảnh màu thì mỗi một mã màu là tổ hợp của 3 con số của 3 kênh màu: Red (đỏ), Green (xanh lá cây) và Blue (xanh dương). Các màu này được ký hiệu một cách vắn tắt là RGB.
  • Khi lưu trong máy tính, ảnh là một ma trận 2 chiều có (w*h) điểm. Nếu là ảnh đen trắng thì mỗi một mã màu tương ứng với 1 byte. Nếu là ảnh màu thì mỗi một mã màu tương ứng với 3 byte. Như vậy, máy tính nhìn thấy ảnh là một mảng 3 chiều w*h*c – trong đó c hoặc bằng 1 hoặc bằng 3. Nếu chúng ta chụp ảnh màu cái cốc cà phê anh/chị đang nhâm nhi và giả thiết ảnh có chiều rộng 400 pixel, chiều cao 300 pixel thì phần mềm máy tính “nhìn thấy” ảnh là một mảng gồm 400*300*3 = 360,000 con số.
    Đấy, trong bộ nhớ máy tính, ảnh là một dãy các con số như thế!

-

Lại nói về việc chụp ảnh. Ảnh có thể biến dạng theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ:

  • Viewpoint variation (thay đổi góc chụp): Cùng một vật, máy ảnh có thể chụp theo nhiều góc khác nhau.
  • Scale variation (biến đổi kích cỡ): Có 2 loại biến đổi kích cỡ: kích cỡ thay đổi do máy ảnh chụp gần, chụp xa hoặc chính bản thân vật được quan sát cũng có nhiều kích cỡ khác nhau. Ví dụ, cốc cà phê có loại bé, có loại to.
  • Deformation (biến dạng): Vật được quan sát có thể biến dạng (ví dụ: cái khẩu trang).
  • Occlusion (khuất): Vật được quan sát có thể bị khuất (lấp) một phần. Ví dụ, khi chụp ảnh cái cốc, chúng ta có thể chỉ chụp phần miệng cốc.
  • Illumination conditions (điều kiện chiếu sáng): Ảnh lúc tỏ lúc mờ tùy vào điều kiện chiếu sáng.
  • Background clutter (nền lộn xộn): Nếu bàn làm việc của anh/chị có nền hoa văn thì ảnh chụp vật cần quan sát có thể bị nền làm lóa, làm cho vật bị biến dạng theo nền.
  • Intra-class variation (đa mẫu cùng chủng loại): Ví dụ, cùng cốc cà phê nhưng cái thì to màu nâu, cái thì bé màu đỏ, cái thì cao màu trắng sứ, …

-

Approach (Phương pháp tiếp cận)?

Liệu có tồn tại một chương trình phần mềm dùng để nhận dạng ảnh hoặc phân lớp ảnh? Cũng có thể. Tuy nhiên, có một thực tế: giới nghiên cứu vẫn chưa tìm ra chương trình dạng như thế. Từ lâu, người ta tìm cách giải quyết vấn đề bằng một cách khác: mô phỏng quy trình nhận dạng của con người. Từ bé, rõ ràng là chúng ta chưa biết đến khái niệm “cốc cà phê”. Sau nhiều lần được người lớn chỉ cho chúng ta rằng “vật như thế” là “cốc cà phê”. Có thể chúng ta lật qua lật lại, ngắm nghía nhiều góc và ghi vào bộ nhớ của chúng ta. Lần sau, nếu có một cái vật từa tựa như chúng ta đã từng biết – lúc đó chúng ta nhận ra: à, đó là “cốc cà phê”. Cách tiếp cận này có tên gọi là data-driven approach – tạm dịch là phương pháp tiếp cận dựa vào dữ liệu. Nghĩa là, thay vì đi tìm một thuật toán, người ta đi tìm một mô hình (model). Mô hình này sẽ bắt chước cách nhận dạng của con người: học nhận dạng qua một loạt ảnh bằng cách bảo với máy rằng: ảnh này là “cốc cà phê”, ảnh kia là “chiếc điện thoại”, ảnh kìa là “cái khẩu trang”, … Sau khi học xong, nếu cho máy “nhìn” ảnh cốc cà phê của anh/chị đang nhâm nhi, máy sẽ biết đó là cốc cà phê. Đại ý thế.

Mặc dù không muốn làm anh/chị “nhức đầu”, tôi cũng đành phải viết ra đây hơi kỹ thuật một chút. Mô hình mà chúng ta cần tìm có tên gọi là Classifier (bộ phân loại):

  • Input (đầu vào): có N ảnh được dán nhãn, mỗi một nhãn chỉ thuộc vào 1 trong K loại khác nhau. Chúng ta gọi bộ dữ liệu này là bộ dữ liệu huấn luyện. Chúng được dùng để huấn luyện mô hình. Nhắc lại: ảnh = mảng các điểm (đề cập ở trên).
    -
  • Learning (học): Nhiệm vụ chính của công đoạn này là huấn luyện cho máy biết cách phân loại ảnh. Bước này có tên gọi là training a classifier (huấn luyện bộ phân loại). Qua huấn luyện, mô hình sẽ học (learning).
    -
    ❓ Về mặt bản chất, học (learning) ở đây là gì vậy? Trả lời: là điều chỉnh các tham số (parameters/hyper-parameters) của mô hình sao cho mô hình thích nghi tối ưu nhất đối với dữ liệu đã huấn luyện. Cụ thể, trong trường hợp mô hình là mạng nơ-ron thì learning chính là thay đổi các trọng số (weights) của mạng.
    -
  • Evaluation (đánh giá): Nhiệm vụ của công đoạn này là đánh giá chất lượng mô hình. Cách đánh giá: cho một ảnh mới (không thuộc bộ ảnh huấn luyện ở trên) và xem mô hình có cho kết quả đúng với đáp án hay không. Tỷ lệ cho đáp án đúng chính là chất lượng của mô hình.
    -

Có thể diễn giải cách tiếp cận này như sau:

  1. Mỗi một bước huấn luyện có đầu vào của mô hình là cặp thông tin (ảnh: nhãn). Ví dụ: (ảnh 1: “cốc cà phê”), (ảnh 2: “chiếc điện thoại”), (ảnh 3: “cái khẩu trang”), (ảnh 4: “chiếc điện thoại”), (ảnh 5: “cái khẩu trang”), …
  2. Sau khi “nhập” dữ liệu đầu vào, mô hình “học” nhận dạng ảnh. Tức là mô hình tự điều chỉnh các tham số sao cho nó có thể nhớ được “ảnh như thế” là “nhãn như kia”.
  3. Quy trình trên (huấn luyện) được lặp đi lặp lại nhiều lần. Khi huấn luyện, người ta sử dụng nhiều kỹ thuật huấn luyện (ở đây tôi không đi sâu vì như vậy sẽ làm cho anh/chị “nhức đầu” thêm 😊). Sau mỗi đợt huấn luyện, người ta phải kiểm tra xem mô hình đã “nhớ” tốt chưa, có còn nhiều “nhầm lẫn” không. Nếu sau nhiều đợt huấn luyện mà mô hình không “tiến bộ” thêm thì họ cho dừng huấn luyện.
  4. Sau khi dừng huấn luyện, đó là thời điểm để đánh giá chất lượng của mô hình: kiểm tra thực địa (ground truth). Lúc này, người ta cho đầu vào hàng loạt ảnh mới - ảnh mà mô hình chưa nhìn thấy bao giờ - và kiểm tra xem mô hình có phân loại được không, bao nhiêu ảnh phân loại đúng, bao nhiêu ảnh phân loại sai. Tỷ lệ phân loại đúng cao – có nghĩa là mô hình có chất lượng tốt. Ngược lại, tỷ lệ sai còn nhiều thì mô hình chưa tốt.
    -
    ⚠ Khi anh/chị đọc các bài báo, trong phần thực nghiệm người ta thường nêu tỷ lệ % lỗi (Error Rate): tỷ lệ % lỗi càng thấp thì mô hình có chất lượng càng cao.

-

Model (mô hình)?

Kiến trúc mô hình mạng nơ-ron nào là phù hợp cho phân loại ảnh? Câu trả lời, ở vào thời điểm hiện nay, thì gần như “ai cũng biết”: CNN.

-

Người đi tiên phong trong vấn đề phân loại ảnh là ông Yann LeCun với mô hình LeNet-5 (1998). Trong bài báo, tác giả đặt tên mô hình là “Convolutional Neural Networks” (viết tắt là CNN hoặc ConvNet). Có thể dịch CNN là mạng nơ-ron tích chập, do toán tử Convolution được dịch là “tích chập”. Tuy nhiên, theo tôi chúng ta cứ dùng luôn từ viết tắt CNN vì khi dùng từ đó, “cả tây lẫn ta” đều hiểu và không bị nhầm sang nghĩa khác.

-

Tài liệu hướng dẫn về CNN có rất nhiều trên mạng Internet, anh/chị nào quan tâm chi tiết chỉ cần “Google” cái là ra một danh sách dài các đường link.

Đối với dân “kỹ thuật” như chúng ta (ICT_VNers), có lẽ nhiều người sẽ đặt câu hỏi: cái “magic” của kiến trúc CNN nằm ở chỗ nào? Khi tham khảo trên mạng, anh/chị có thể thấy nhiều bài viết với nhiều góc nhìn khác nhau. Cá nhân tôi, tôi thấy có vài điểm làm nên “magic” của CNN như sau:

-
✪ Toán tử Convolution. Nếu anh/chị đã từng có dịp “nghiền ngẫm” làm thế nào để “chiết” ra được đặc tính của một vùng ảnh thì hẳn về mặt toán học anh/chị sẽ nghĩ đến một phép toán. Vấn đề là phép toán nào? Ông Iann LeCun đưa vào toán tử Convolution. Tò mò thêm một chút, chúng ta thấy định nghĩa của toán tử Convolution là:

f*g t =-f(τ)g(t-τ)dτ

Vì chúng ta đang làm việc với “số hóa” nên trong trường hợp số rời rạc (discrete), công thức trên biến thành:

(f*g)[n] = m=-MMf[n-m]g[m]

Nếu áp dụng công thức trên trong không gian 2 chiều thì đó đơn thuần chỉ là phép nhân ma trận (Matrix Multiplication - Dot Product)!

-

Tiếp theo, toán tử Convolution được thực hiện như thế nào? Trong bài báo gốc (LeNet-5), tác giả Iann LeCun đề cập đến khái niệm receptive field – tạm dịch là vùng cảm nhận. Ngoài ra, bài báo còn đưa vào khái niệm shared weights (chia sẻ trọng số). Chia sẻ trọng số là gì? Là nhiều nút trong mạng nơ ron có cùng giá trị trọng số. Nếu anh/chị đọc các bài báo vào thời điểm hiện nay thì người ta thay tổ hợp hai khái niệm receptive field với shared weights bằng bằng từ mới là filter – bộ lọc. Tôi thấy họ dùng từ filter hợp lý vì khái niệm bộ lọc rất trực quan. Khi chúng ta nhìn vào ảnh, thường chúng ta chú ý vào một vùng nhỏ nào đó. Lúc chúng ta lướt qua ảnh, là lúc chúng ta “quét ảnh” bằng vùng cảm nhận. Khi lướt ảnh, chúng ta nhận diện ảnh bằng cách phát hiện các đặc tính (feature). Các đặc tính của ảnh là gì? Chúng có thể là các cạnh, các điểm, các góc, hoa văn, …

Trong CNN, bộ lọc (filter) là hình vuông F*F pixel. Giả thiết F=5 thì bộ lọc có 5*5 = 25 điểm. Một cách trực quan, chúng ta có thể xem toán tử Convolution là “xoắn” 25 điểm liền nhau trên ảnh thành một điểm. Chú ý rằng phép “xoắn” này sau đó quét (scan) toàn bộ ảnh, là quét một cách “xoắn lợp ngói” lên nhau, từ trái sang phải, từ trên xuống dưới. Kết quả chúng ta được gì? Mỗi một filter, theo tác giả Iann LeCun, phát hiện ra một “đặc tính”. Chú ý thêm rằng, việc phát hiện ra một “đặc tính” chỉ phụ thuộc vào kích cỡ của F (bộ lọc), hoàn toàn độc lập với kích cỡ của ảnh!

Chú ý: Các bài báo hiện nay người ta dùng từ kernel (nhân) thay cho từ feature (đặc tính).

Ảnh, hẳn nhiên chứa nhiều đặc tính. Và điều đó đồng nghĩa với việc người ta cần nhiều kernel. Nhưng cần bao nhiêu kernel cho một ảnh? Đây là vấn đề gắn liền với “nghệ thuật” kiến trúc mô hình. Ảnh trong bài báo LeNet-5 có kích thước là 32x32 pixel, tác giả thiết kế 6 kernel cho lớp Convolution thứ nhất, 16 kernel cho lớp Convolution thứ 2, 120 kernel cho lớp Convolution thứ 3.

Chú ý: Trong bài báo, tác giả Iann LeCun không dùng từ kernel mà dùng từ feature map.

-

✪ Lớp Pooling (trong bài LeNet-5, ông Iann LeCun gọi là lớp sub-sampling). Đây là phép toán “gộp” 4 điểm của lớp trước thành 1 điểm của lớp sau. Nghĩa là giảm độ phân giải từ 100% thành 25%. Một cách trực quan: đây là việc thu nhỏ ảnh! Dưới góc độ tính toán thì đây là giảm độ phức tạp xuống chỉ còn ¼.

Theo các phân tích sau này, người ta gọi cách làm trên là biến lớp ảnh từ độ phân giải cao (high resolution) thành lớp ảnh có độ phân giải thấp (low resolution). Ưu điểm của cách làm này là giảm dần độ phức tạp nhưng nhược điểm là các lớp về sau “mất thông tin”. Lý do mất thông tin là do chập 4 điểm thành 1 điểm.

-

Data (dữ liệu).

Dữ liệu bao giờ cũng là nguồn nguyên liệu chính của Machine Learning. Điều này càng đúng với bài toán “phân loại ảnh”: nguyên liệu chính là nguồn ảnh có dán nhãn dùng để huấn luyện mô hình. Nhân chủ đề về dữ liệu dùng để phân loại ảnh, xin có đôi lời bàn sâu hơn về dữ liệu.

-

Dữ liệu có quan trọng không? Để thuyết phục về mức độ quan trọng của dữ liệu, chúng ta hãy lấy ví dụ. Trong một lần nhàn đàm trước, với chủ đề “Machine Translation”, chúng ta thấy các mô hình như SMT (Statistical Machine Translation) hay NMT (Neural Machine Translation) đều phụ thuộc 100% vào dữ liệu đã được xây dựng từ trước. Không có dữ liệu tốt thì các mô hình SMT, NMT chẳng có ý nghĩa gì cả!

-

Dữ liệu có ảnh hưởng đến mô hình không? Đây là trường hợp khi chúng ta dù có dữ liệu tốt, nếu dữ liệu không phủ hết các trường hợp thì mô hình cũng sẽ không có chất lượng tốt. Hãy lấy một ví dụ. Giả thiết chúng ta cần nhận diện một vật với tập ảnh cần 50 góc chụp ảnh khác nhau và chúng ta có 500 ảnh. Nếu tập ảnh này chỉ loanh quanh trong 5 góc chụp, chúng ta dễ dàng nhận thấy dù có sử dụng mô hình nào đi nữa thì chắc chắn mô hình đó không nhận dạng đúng ảnh của 45 góc còn lại.

-

Giới nghiên cứu sử dụng các tập dữ liệu mẫu nào? Các tập dữ liệu mà tôi đề cập ở đây thuộc nhóm “Open Datasets” – là các tập dữ liệu mở: tự do sử dụng, miễn phí cho mục tiêu nghiên cứu, giảng dạy. Các tập dữ liệu mẫu này thường được sử dụng cho đào tạo Machine Learning, được các bài báo khoa học tham chiếu, so sánh để thuyết phục người đọc, học về các mô hình mà họ đề xuất.

MNIST (Modified National Institute of Standards and Technology database). CSDL ảnh dùng để nhận dạng chữ số viết tay (0, 1, …, 9): gồm 70,000 ảnh đen trắng kích cỡ 28x28 pixel.

CIFAR-10 (Canadian Institute For Advanced Research). CSDL ảnh dùng để huấn luyện các mô hình Machine Learning nói chung và thị giác máy tính nói riêng: gồm 60,000 ảnh màu kích cỡ 32x32 của 10 loại ảnh (airplanes - máy bay, cars - ô tô, birds - chim, cats - mèo, deer - hươu, dogs - chó, frogs - ếch, horses - ngựa, ships - tàu, trucks - xe tải). Mỗi loại có 6,000 ảnh.

CIFAR-100. CSDL này tương tự như CIFAR-10, nhưng có 100 loại ảnh, tổng 60,000 ảnh màu kích cỡ 32x32. Mỗi loại chỉ có 600 ảnh.

ImageNet. Là một CSDL hình ảnh được tổ chức theo hệ thống phân cấp học theo cách của WordNet. Mỗi một nút tương ứng với một khái niệm (concept) và khái niệm này được mô tả bằng hàng trăm đến hàng nghìn hình ảnh. “Khái niệm” có thể là một từ hoặc cụm từ. Như vậy, các ảnh mô tả một khái niệm được “dán nhãn” bằng chính khái niệm đó. Trong WordNet, họ gọi các khái niệm này là “synonym set” (tập từ đồng nghĩa), viết tắt là synset. Một synset đồng nghĩa với một loại ảnh. Tất cả các ảnh đều có cơ chế kiểm soát chất lượng và được dán nhãn một cách thủ công. Vào thời điểm của bài viết này, ImageNet có 14,197,122 ảnh và 21,841 synset. Người ta thường phân biệt 2 tập dữ liệu của ImageNet, đặt tên là ImageNet-1KImageNet-21K.

  • ImageNet-1K: CSDL này có đúng 1,000 synset, người ta gán cho mỗi synset khoảng 1,000 ảnh. Mỗi một ảnh trong ImageNet-1K chỉ thuộc vào một synset duy nhất. ImageNet-1K là tập con của CSDL ImageNet. Thông thường khi các báo cáo khoa học nói sử dụng tập dữ liệu mẫu ImageNet, chính là họ nói đến ImageNet-1K.
  • ImageNet-21K: Đây là CSDL đầy đủ của ImageNet. Sở dĩ có đuôi là 21K là do có tổng số synset là 21,841. Do cấu trúc phân cấp của ImageNet, một ảnh có thể tương ứng với nhiều synset. Ví dụ: ảnh của cái ghế tương ứng với từ “ghế” và từ “đồ nội thất”. Tập dữ liệu mẫu ImageNet-21K ít được sử dụng hơn so với ImageNet-1K trong các nghiên cứu phân loại ảnh.

-

ImageNet Challenge (Thử thách ImageNet).

Tên đầy đủ của cuộc thi này là “ImageNet Large Scale Visual Recognition Challenge” viết tắt là ILSVRC, tạm dịch: “Thử thách nhận dạng hình ảnh quy mô lớn ImageNet”. Tôi xin có vài dòng đề cập đến cuộc thi này vì nó đóng vai trò rất lớn trong sự phát triển của nhận dạng hình ảnh nói riêng và trong Machine Learning nói chung.

-

Cuộc thi này được tổ chức hàng năm, từ năm 2010 đến năm 2017 (8 năm). Cách thi như sau:

  1. Người ta cho một tập mẫu ảnh có dán nhãn và một tập ảnh chưa dán nhãn.
  2. Tập ảnh đã được dán nhãn là để cho nhóm dự thi dùng để huấn luyện mô hình: có khoảng 1 triệu ảnh phân thành 1 nghìn loại. Như vậy trung bình mỗi loại có 1 nghìn ảnh. Trong số 1 triệu ảnh này, người ta tách ra khoảng 50 nghìn ảnh để validation (thẩm định) và khoảng 150 ảnh dùng để test (kiểm tra). (Validationtest là các công đoạn trong huấn luyện mô hình.)
  3. Mô hình dự thi phải dự đoán tập ảnh chưa dán nhãn. Đối với mỗi một ảnh, mô hình có quyền đưa ra 5 dự đoán, sắp xếp theo mức độ tự tin (confidence) giảm dần. Trên cơ sở này, phần mềm “giám khảo” sẽ so sánh với nhãn đúng của ảnh và có công thức chấm điểm phù hợp.
  4. Nhóm dự thi sau đó trình bày phương pháp luận của mô hình và kết quả thực nghiệm tại hội thảo được tổ chức sau khi có kết quả chung cuộc. Mục tiêu của hội thảo là xúc tiến, quảng bá và chia sẻ thành công của các giải pháp đã đoạt giải.

Các giải pháp đạt giải của cuộc thi này được coi là các “benchmark” (kiểm chuẩn mô hình) trong nghiên cứu phân loại ảnh và thị giác máy tính.

-

Ảnh hưởng của ImageNet Challenge. Một điểm mốc có ảnh hưởng sâu sắc đến Machine Learning gắn liến với ImageNet Challenge là mô hình AlexNet, dự thi năm 2012. Nhóm dự thi gồm GS. Geoffrey Hinton, Ilya SutskeverAlex Krizhevsky đến từ trường ĐH Toronto (Canada). Mô hình AlexNet nhận dạng ảnh đạt được độ chính xác ~ 75%, bỏ xa nhóm về nhì hơn 10.8 điểm. Nhiều người coi đây là điểm khởi đầu sự bùng nổ của Deep Learning và và qua đó, lôi kéo các tinh hoa của thế giới vào Artificial Intelligence.

Về mặt kỹ thuật, nhóm này đưa vào nhiều điểm mới. Nhóm này là nhóm đầu tiên sử dụng GPU để huấn luyện, sử dụng kỹ thuật Dropout để giảm overfitting.

Về hàm phi tuyến, nhóm này lần đầu tiên sử dụng hàm ReLU (Rectified Linear Unit), một hàm có công thức rất đơn giản và đạt được tính hiệu quả cao khi tính toán.

Các năm tiếp theo, tất cả các đội dự thi đều mang đến cuộc thi các mô hình có độ chính xác tăng lên một cách đều đặn. Ví dụ, năm 2013, gần như tất cả các mô hình đều đạt độ chính xác từ 75% trở lên. Đến năm 2017, 29/38 đội dự thi có mô hình đạt độ chính xác trên 95%. Lưu ý rằng mắt người nhận dạng ảnh với độ chính xác khoảng 95%. Như vậy mô hình của 29 đội dự thi lúc đó đã vượt qua ngưỡng của con người!

-

CNN Architectures (Các biến thể kiến trúc CNN).

Sau mô hình LeNet-5, có “hằng hà sa số” các mô hình khác, cùng có kiến trúc CNN nhưng có nhiều cải tiến, thay đổi nhằm đạt được độ chính xác cao hơn đồng thời sử dụng nguồn lực tính toán tối ưu hơn. Mời anh/chị tham khảo một số mô hình tiêu biểu trong bảng sau.

Mô hình

Độ sâu (số lớp)

Dữ liệu mẫu

Error rate (%)

Năm

AlexNet

8

ImageNet

16.4

2012

NIN

3

CIFAR-10, CIFAR-100, MNIST

10.41, 35.68, 0.45

2013

ZfNet

8

ImageNet

11.7

2014

VGG

16, 19

ImageNet

7.3

2014

GoogLeNet

22

ImageNet

6.7

2015

Highway

19, 32

CIFAR-10

7.76

2015

Inception-V4

70

ImageNet

3.08

2016

ResNet

152

ImageNet

3.57

2016

WideResNet

28

CIFAR-10, CIFAR-100

3.89, 18.85

2016

Xception

71

ImageNet

0.055

2017

Residual attention neural network

452

CIFAR-10, CIFAR-100

3.90, 20.4

2017

Squeeze-and-excitation networks

152

ImageNet

2.25

2017

DenseNet

201

CIFAR-10, CIFAR-100, ImageNet

3.46, 17.18, 5.54

2017

Competitive squeeze and excitation network

152

CIFAR-10, CIFAR-100

3.58, 18.47

2018

CapsuleNet

3

MNIST

0.00855

2018

-

Nếu anh/chị có thời gian lướt qua các bài báo, thì có thể nhận ra là giải pháp của các cuộc thi sau học hỏi, cải tiến giải pháp của các cuộc thi trước. Tất nhiên, đây là việc thường thấy trong nghiên cứu khoa học. Một vài ví dụ:

  • ZfNet thắng giải ILSVRC năm 2013, là cải tiến, sửa đổi của mạng AlexNet năm 2012.
  • GoogleNet đoạt giải nhất ILSVRC năm 2014, VGG đoạt giải nhì cùng năm.
  • ResNet thắng giải ILSVRC năm 2015. Về mặt kỹ thuật kiến trúc mô hình, ResNet đưa vào kiến trúc có tên là Skip Connection hoặc Residual Neural Network. Kiến trúc này mang tính đột phá vì nó cho phép thiết kế CNN với số lớp cực lớn (hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lớp). Ngoài ra, trong nghiên cứu phân lớp ảnh, ResNet thường được coi là gold-standard (chuẩn mực vàng) của CNN.

-

Vision Transformer (ViT).

Kiến trúc CNN có tính bao trùm đến mức, khi người ta nghĩ đến nhận dạng hình ảnh, thì “bắt buộc” phải nghĩ đến một biến thể nào đó của CNN. Mãi cho đến tháng 10/2020, Google mới “trình làng” một cách tiếp cận khác: sử dụng Transformer.

<Mở ngoặc>

Trong lần nhàn đàm trước về chủ đề “Machine Translation”, tôi có đề cập đến Transformer. Transformer lúc đó được sử dụng để dịch một đoạn văn bản trong ngôn ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích.

Xin phép nhắc lại, cách tiếp cận của Neural Machine Translation là sử dụng encode-context-decoder:

[Văn bản ngôn ngữ nguồn]→{mã hóa}→[context]→{giải mã}→[văn bản ngôn ngữ đích]

Nếu sử dụng mạng RNN, văn bản được cắt đoạn thành các câu. Mỗi một lần dịch, máy chỉ dịch 1 câu. Nếu ký hiệu câu nguồn gồm các từ [x1, x2, …, xm] và câu đích gồm các từ [y1, y2, …, yn] thì có thể thấy mô hình này vận hành như sau:

[x1, x2, …, xm]→{mã hóa}→[context]→{giải mã}→[y1, y2, …, yn]

Mỗi một nhịp, máy chỉ đọc 1 từ đầu vào. Trong ví dụ trên, máy cần m nhịp. Sau khi mã hóa và giải mã, mỗi một nhịp, máy cũng chỉ dịch được một từ đầu ra. Trong ví dụ trên, máy cần n nhịp.

-

Transformer không sử dụng mô hình mạng RNN mà chỉ sử dụng cơ chế Attention. Vì không sử dụng mạng RNN nên ngoài việc mã hóa các đoạn văn bản [x1, x2, …, xm] và [y1, y2, …, yn], Transformer cũng mã hóa cả vị trí của các phần tử trong các văn bản đó (1, 2, …, n và 1, 2, …, m) để biết được thứ tự của các phần tử.

<Đóng ngoặc>

-

💡 Thế ViT biến một ảnh thành chuỗi các phần tử [x1, x2, …, xm] bằng cách nào? Rất bất ngờ và thú vị: họ chia ảnh thành các ô bàn cờ có kích thước bằng nhau, đánh số thứ tự các ô đó, làm “phẳng hóa” các ô ảnh, xếp chúng thành chuỗi các phần tử và biến chúng thành chuỗi đầu vào [x1, x2, …, xm]. Khác hẳn với cách tiếp cận của CNN, ViT “băm” nhỏ ảnh thành các “mảnh vụn”, rồi xếp chúng thành một dãy theo thứ tự. “Nghiền ngẫm” về cách làm này, có cảm giác là ViT không xử lý ảnh theo đặc trưng riêng của ảnh. ViT xem ảnh cũng giống hệt như chuỗi các phần tử bất kỳ!

Ngoại trừ điểm đặc biệt này, các quy trình khác tuân theo các quy tắc thông thường khi huấn luyện mô hình.

Họ chia mô hình của họ theo 3 kích cỡ:

  • ViT-Base: có 12 lớp, 86 triệu tham số
  • ViT-Large: có 24 lớp, 307 triệu tham số
  • ViT-Huge: có 32 lớp, 632 triệu tham số

Chú ý rằng, mô hình nào có số tham số càng nhiều thì mô hình đó đạt độ chính xác càng cao. Tuy nhiên, mô hình có nhiều tham số đòi hỏi phải huấn luyện lâu hơn và sử dụng “nguồn lực” nhiều hơn, đắt hơn.

-

Trong các thử nghiệm của nhóm nghiên cứu, có một điểm rất đáng chú ý.

  • Khi huấn luyện với ít dữ liệu (ImageNet-1K: 1.2 triệu ảnh, 1 nghìn loại), các biến thể của CNN cho độ chính xác cao hơn ViT.
  • Khi tăng lượng dữ liệu huấn luyện lên (ImageNet-21K: 14 triệu ảnh, 21 nghìn loại) thì mô hình ViT lại cho độ chính xác tương đương CNN.
  • Khi tăng tiếp số lượng ảnh huấn luyện (JFT: 300 triệu ảnh, 18 nghìn loại), độ chính xác của ViT vượt CNN.

-

Bài báo kết luận: Tuy kiến trúc CNN đã làm nên cuộc cách mạng trong lĩnh vực thị giác máy tính, kết quả nghiên cứu và thử nghiệm của bài báo chỉ ra rằng một “kiến trúc đặc trưng cho nhận dạng ảnh” chưa chắc cần thiết, thậm chí không phải là tối ưu! Chìa khóa vấn đề nằm ở ⚠ số lượng dữ liệu huấn luyện: càng nhiều càng tốt.

Nghĩa là, độ chính xác không nằm ở kiến trúc mô hình mà nó phụ thuộc vào chất lượng dữ liệu và số lượng dữ liệu dùng để huấn luyện.

-

🌞 Vào tháng 5/2021, xuất hiện một bài báo về phân lớp ảnh. Bài này đề xuất mô hình có tên là MLP-Mixer. Mô hình này không sử dụng Convolution và cũng không sử dụng Transformer, chỉ sử dụng cấu trúc nguyên thủy của mạng nơ-ron là MLP (Multilayer perceptron)! MLP mà họ sử dụng là MLP “nguyên tử”, tức là MLP tối giản: lớp đầu vào, lớp ẩn và lớp đầu ra. Kết quả thực nghiệm cho thấy mô hình này cũng chẳng kém gì ViT. Rất ngạc nhiên thú vị!

-

Transfer Learning (Chuyển giao kiến thức mô hình).

Như đã được đề cập ở mục trên, các mô hình Deep Learning hiện nay đều cần lượng dữ liệu cực lớn (hàng chục triệu mẫu, hàng chục nghìn nhãn) và thời gian huấn luyện khá dài (vài tuần đến vài ba tháng). Việc này chỉ có một số không nhiều các công ty với nguồn lực đủ mạnh mới có thể thực hiện được. Vấn đề trong thực tế: chúng ta có một ít ảnh được dán nhãn (số nhãn cũng không nhiều), liệu chúng ta có cách nào đó tận dụng mô hình phân loại hình ảnh đã được các “siêu công ty” kia thực hiện?

-

Trả lời: Cách tiếp cận được khuyến cáo hiện nay là Transfer Learning. Tôi tạm dịch là “Chuyển giao kiến thức mô hình”. Chúng ta biết rằng khi huấn luyện mô hình thì thực chất là người ta điều chỉnh các tham số của mô hình sao cho mô hình “đoán” được đầu ra chính xác nhất. Đến một thời điểm người ta thấy mô hình ổn định thì họ dừng lại, không huấn luyện tiếp. Ai muốn thừa kế sử dụng mô hình thì người ta chuyển giao (transfer). Chuyển giao ở đây là người ta cho chúng ta tập hợp các tham số của mô hình sau khi được họ huấn luyện trước. Tập hợp các tham số (kiến trúc mô hình + các trọng số (weights)) chính là kiến thức hiểu biết về mô hình. Từ tập hợp các tham số này, chúng ta sẽ điều chỉnh tiếp các tham số để phù hợp với bài toán cụ thể của chúng ta. “Bài toán cụ thể” này thường là một bài toán nhỏ hơn nhiều so với bài toán lớn – mà bài toán lớn đã được huấn luyện và đang sẵn sàng chuyển giao.

Một vài cụm từ hay được dùng trên các bài báo khoa học vào thời điểm hiện nay:

  • Mô hình lớn, tổng quan, sẵn sàng cho việc chuyển giao có tên là Upstream (thượng nguồn).
  • Mô hình nhỏ, ứng dụng mô hình chuyển giao vào một bài toán cụ thể, có tên là Downstream (hạ lưu).
  • Một cách hình tượng: từ mô hình tổng thể - thượng nguồn – nước chảy xuôi với rất nhiều rẽ nhánh – hạ lưu – chính là các ứng dụng khác nhau của mô hình tổng thể.

Cách làm này có thể được hiểu một cách nôm na như sau:

  1. Người ta chọn một mô hình có tính bao quát nhất về vấn đề cần quan tâm (trong trường hợp của bài post này là “phân loại ảnh”).
  2. Người ta huấn luyện mô hình với tập dữ liệu mẫu cực lớn. Bước này gọi là pre-training. Đến đây, chúng ta được mô hình cơ sở (Upstream). Mô hình cơ sở này cung cấp cho chúng ta lời giải tổng quát.
  3. Việc còn lại của chúng ta là tinh chỉnh (fine-tuning) mô hình cơ sở đó để giải bài toán cụ thể của mình (Downstream).

-

Cụ thể, đối với bài toán phân loại ảnh, xin giới thiệu với anh/chị giải pháp Transfer Learning của Google dưới dạng “Open Source” gồm bài giới thiệu, bài báo, mô hình chuyển giaomã nguồn cho các framework TensorFlow2, Jax, PyTorch.  Bài báo xuất bản vào tháng 5 năm 2020 với tiêu đề “Big Transfer (BiT): General Visual Representation Learning” (Chuyển giao lớn (BiT): Kiến trúc nhận dạng hình ảnh tổng quát).

-

Mục tiêu của nhóm nghiên cứu là tạo ra một mô hình tổng quan về nhận dạng hình ảnh, huấn luyện mô hình với khối lượng tập mẫu dữ liệu cực lớn và “open source” cho bất cứ ai có nhu cầu sử dụng.

  • Việc đầu tiên là họ chọn mô hình, một biến thể của CNN: ResNet. Vì sao Resnet được chọn mà không phải là mô hình khác? ResNet là mô hình phân loại ảnh với độ chính xác rất cao (error rate là 3.57 tương đương độ chính xác là 96.43%), có kiến trúc đơn giản, dễ module hóa, dễ tái tạo. Họ chọn các mô hình với nhiều kích cỡ khác nhau gồm R50x1 (sâu: 50 x rộng: 1), R50x3 (sâu: 50 x rộng: 3), R101x1 (sâu: 101 x rộng: 1), R101x3 (sâu: 101 x rộng: 3) và R152x4 (sâu: 152 x rộng: 4).
    -
  • Bước tiếp theo là Pre-training (tạo Upstream). Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng muốn có mô hình có độ chính xác cao, bắt buộc phải huấn luyện với nhiều dữ liệu. Tuy nhiên, nhiều dữ liệu chỉ thích hợp với mô hình lớn (tức là số tham số phải lớn). Vì vậy, ngoài việc chia kích cỡ mô hình, người ta cũng chia kích cỡ huấn luyện.
    • BiT-S: Tập mẫu huấn luyện là ImageNet-1K (1 nghìn loại, ~1.28 triệu ảnh)
    • BiT-M: Tập mẫu huấn luyện là ImageNet-21K (~21 nghìn loại, ~140 triệu ảnh)
    • BiT-L: Tập mẫu huấn luyện là JFT-300M (~18 nghìn loại, ~300 triệu ảnh)
      -
  • Tiếp theo là bước tinh chỉnh (Fine-Tuning hay Downstream). Để biết rõ hơn tính khả dụng của mô hình, người ta thử fine-tuning với nhiều tập mẫu dữ liệu mang tính đại diện với số lượng rất ít ảnh được dán nhãn. Cùng với kết quả thử nghiệm ở bước pre-training, người ta đưa ra khuyến cáo với bộ quy tắc có tên là “BiT-HyperRule” dùng cho việc huấn luyện Downstream.

-

Trong nhận dạng ảnh, và đặc biệt là trong phân loại ảnh, mặc dù Google có giới thiệu ViT, nhưng kiến trúc CNN, theo ý kiến cá nhân tôi, vẫn là kiến trúc “bao trùm” cho các mô hình với độ chính xác cao.

Có một xu thế có thể gây cho chúng ta không thật sự dễ chịu: đó là dữ liệu càng nhiều, mô hình càng lớn (số parameters lớn) thì mô hình có chất lượng càng tốt, độ chính xác càng cao. Điểm này làm cho các đơn vị, cá nhân có nguồn lực nhỏ ngày càng xa vời, ngày càng phụ thuộc vào các “Giant Techs” (siêu công ty công nghệ).

-

Tất nhiên, đó chỉ là các ý kiến cá nhân, mang tính chủ quan và có thể phiến diện. Nhưng dù có gây tranh cãi thì tôi tin rằng với vài dòng đàm luận này sẽ làm cho cốc cà phê của anh chị có “vị” hơn, lôi kéo tư duy của anh/chị hướng về công nghệ! 😊

 

(_/)
( •_•)
/ >☕